Hồ sơ đồ án quy hoạch được duyệt, phải có bản đồ

Có hay không có bản đồ quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 được phê duyệt năm 1996 của đô thị mới Thủ Thiêm? Tính chất pháp lý của đồ án quy hoạch này có được thay thế bằng đồ án quy hoạch chung cũng của đô thị mới Thủ Thiêm, được phê duyệt năm 2005?
Một góc Thủ Thiêm hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG
Một góc Thủ Thiêm hiện nay. Ảnh: CAO THĂNG

Phóng viên báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, một chuyên gia có uy tín đã tham gia thực hiện nhiều đồ án quy hoạch cho TPHCM - về vấn đề này.

Bản đồ góp phần làm rõ hơn đồ án quy hoạch

* PHÓNG VIÊN: Với tư cách là một chuyên gia lâu năm, có uy tín trong ngành, ông có thể cho biết quy trình lập một đồ án quy hoạch như thế nào?

- Ông HOÀNG MINH TRÍ: Theo quy định (trước năm 2000 là Quy định của Bộ Xây dựng, sau nay là Luật Xây dựng và gần đây là Luật Quy hoạch đô thị), khi giao cho một đơn vị tư vấn lập một đồ án quy hoạch thì cơ quan quản lý Nhà nước phải giao đầy đủ các thông tin về diện tích đất và ranh giới hành chính chính xác về khu vực lập quy hoạch, dù là lập quy hoạch chung hay quy hoạch chi tiết (nay gọi là quy hoạch phân khu). Bởi các thông tin này là cơ sở cho đơn vị tư vấn đi thực địa, điều tra hiện trạng tất cả những vấn đề liên quan đến khu vực lập quy hoạch từ dân số tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, địa hình… Những thông số điều tra này sẽ là “đầu vào” cho việc lập quy hoạch, xác định quy mô dân số, khu vực dân cư, khu vực công cộng, khu vực công viên cây xanh, việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…

* Một đồ án quy hoạch hoàn tất để đơn vị tư vấn có thể trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phải có những hồ sơ nào, thưa ông? Có thể có một đồ án quy hoạch nhưng không có bản đồ không?

- Một đồ án quy hoạch hoàn tất trình cơ quan Nhà nước xem xét phải bao gồm các hồ sơ sau: bản vẽ vị trí (để xác định vị trí và diện tích khu vực lập quy hoạch), các bản vẽ về hiện trạng từ hệ thống hạ tầng kỹ thuật (bao gồm các lĩnh vực: giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, vệ sinh môi trường, thông tin liên lạc) tới các bản vẽ kiến trúc có các công trình hạ tầng xã hội, các công trình dân dụng, công trình nhà ở hiện hữu…; bản đồ quy hoạch các phương án phân khu chức năng bố trí các khu ở, khu công trình công cộng và công viên cây xanh, khu công nghiệp (nếu có)…; bản đồ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; một bản thuyết minh về các phương án quy hoạch mà theo đề xuất của tư vấn sau khi đã báo cáo xin ý kiến của nhân dân và chính quyền quản lý địa bàn quy hoạch. Bản đồ và thuyết minh quy hoạch có chức năng bổ sung cho nhau, làm rõ hơn ý tưởng lập quy hoạch. Do vậy, một đồ án quy hoạch được trình lên cơ quan chức năng xem xét, không thể không có bản đồ đi kèm.

* Liệu những quy định này có khác nhau qua thời gian? Những năm 1990 của thế kỷ trước, có thể có quy định về các hồ sơ trong đồ án quy hoạch trình cơ quan chức năng xem xét, khác với hiện nay?

- Có một số quy định về số lượng hồ sơ của một đồ án quy hoạch phải trình duyệt, hiện nay khác với các quy định trước đây. Thế nhưng, về cơ bản, luôn phải có những hồ sơ như tôi đã nói ở trên.

Quy hoạch chung cũng xác định rõ ranh hành chính

* Hiện đang có một số ý kiến cho rằng, đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 mới chỉ đưa ra được những phác thảo sơ bộ, chưa rõ chức năng các phân khu, ranh giới chính xác khu vực lập quy hoạch… Ông nghĩ sao về những ý kiến này?

- Dù là quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 hay quy hoạch chi tiết (phân khu) 1/2.000 đều phải xác định rõ ranh giới hành chính, diện tích thực hiện quy hoạch. Các khu chức năng cũng vậy… phải xác định rõ. Rõ đến mức, khẳng định luôn mật độ xây dựng, chiều cao tối đa của công trình trong một khu chức năng…

* Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ Thiêm đã 2 lần được điều chỉnh. Một lần vào năm 1996 và một lần vào năm 2005. Theo Bộ Xây dựng, tính chất pháp lý của quy hoạch sau đã thay thế tính chất pháp lý của quy hoạch trước. Theo ông, điều đó có đúng?

- Theo các quy định pháp luật liên quan đến công tác lập quy hoạch, tối thiểu 5 năm/lần đối với quy hoạch chung, ngành chức năng căn cứ vào tình hình thực tế của điều kiện kinh tế-xã hội và tình hình phát triển đô thị khu vực lập quy hoạch có thể xem xét, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Đồ án quy hoạch sau (được phê duyệt) sẽ thay thế tính chất pháp lý của đồ án quy hoạch trước. Cùng với đồ án quy hoạch (điều chỉnh) mới, các quy định pháp luật liên quan đi kèm như thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng… sẽ được vận dụng phù hợp với thời gian đồ án quy hoạch (điều chỉnh) mới chính thức có hiệu lực.

* Sau khi đồ án quy hoạch được phê duyệt, theo quy định, những cơ quan nào sẽ phải lưu trữ? Cụ thể trong trường hợp đồ án quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ Thiêm?

- Theo quy định, sau khi đồ án quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Văn phòng Chính phủ sẽ gửi quyết định phê duyệt và đồ án quy hoạch được phê duyệt cho UBND TPHCM, các bộ ngành liên quan như Xây dựng, Giao thông Vận tải… và lưu trữ ở Cục Lưu trữ.

* Cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục