Giá hồ tiêu năm nay tăng kỷ lục, người trồng hồ tiêu ngập tràn trong niềm vui vì thu lợi lớn. Tại tỉnh Gia Lai, hàng trăm hộ nông dân trồng hồ tiêu chỉ sau một vụ thu hoạch “vụt” trở thành tỷ phú. Nhưng kèm theo đó còn những nỗi lo…
Tỷ phú sau một vụ
Theo số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, hiện toàn tỉnh có hơn 6.000ha hồ tiêu, trong đó 2 huyện Chư Sê, Chư Pưh (nổi tiếng cả nước với thương hiệu hồ tiêu Chư Sê) chiếm diện tích gần 4.000ha, còn lại nằm rải rác ở các huyện Chư Prông, Đắc Đoa... Thời gian gần đây, nông dân trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh vui phơi phới do hồ tiêu bán được giá, đạt mức 120.000 đồng/kg tiêu đen và 200.000 đồng/kg tiêu trắng.
Về các xã Ia Blang, Ia Phang (huyện Chư Pưh) hay thị trấn Chư Sê (huyện Chư Sê), nơi đâu cũng có thể nghe những câu hỏi đại loại như: “Năm nay được mấy tấn?”, “Năm nay trồng thêm bao nhiêu hécta?”...
Hàng trăm hộ dân trồng hồ tiêu ở Gia Lai sau một vụ thu khoảng chục tấn tiêu, bỗng chốc trở thành tỷ phú. Chỉ tính riêng các xã Ia Pia, Ia Vêr, Ia Ga (huyện Chư Prông) đã có gần trăm gia đình thu hoạch được từ 10 tấn đến gần 30 tấn hồ tiêu, đồng nghĩa có ngần ấy gia đình trở thành tỷ phú nông dân trong năm nay.
Anh Nguyễn Văn Tập, một nông hộ ở thôn 4, xã Ia Pia (huyện Chư Prông) cho biết, gia đình anh vừa thu hoạch khoảng 2/3 diện tích vườn tiêu, sản lượng đạt gần 20 tấn. Trừ chi phí phân bón, xăng dầu bơm nước tưới, công chăm sóc… anh thu lợi gần 2,5 tỷ đồng. Hình ảnh này làm nhiều nhà nông khác trong vùng bồn chồn, thấy người khác trồng hồ tiêu làm giàu, mình cũng làm theo.
Người dân Gia Lai đang trong cơn sốt hồ tiêu, bằng mọi giá ồ ạt đầu tư trồng mới. “Sức nóng” của loại cây có vị cay nồng này đang lan mạnh trên địa bàn các xã Bàu Cạn, Ia Pia (huyện Chư Prông) và nhiều xã thuộc địa bàn 2 huyện Chư Sê, Chư Pưh, khiến nhiều hộ không ngần ngại phá bỏ cà phê để trồng hồ tiêu.
Tại thôn Ia Mua, xã Bàu Cạn (huyện Chư Prông), chỉ với đoạn đường hơn 4km, chúng tôi quan sát thấy nhiều vườn cà phê đã bị chặt phá nham nhở, thay vào đó là những bãi đất trống đang được người dân dọn dẹp để chuẩn bị trồng hồ tiêu.
Tại vườn cà phê đã bị phá bỏ phân nửa diện tích, ông Ngô Văn Tú, một nông dân đã hơn 20 năm “sống chết” với cây cà phê, cho biết: “Vụ này nhà tôi thu hoạch được gần 5 tấn cà phê, bán với giá 40 triệu đồng/tấn, trừ chi phí phân bón, nước tưới, nhân công... chẳng còn lại bao nhiêu. Vất vả vậy nhưng giá cả lên xuống thất thường. Tôi phá cà phê dần để trồng hồ tiêu”.
Niềm vui có kéo dài?
Chúng tôi có dịp về các vùng chuyên canh hồ tiêu ở Gia Lai trong những ngày thu hoạch cuối vụ. Ông Phạm Thế Vinh, ở thôn Hô Bi, xã Chư Pơng (huyện Chư Sê), đang phát rầu vì trang trại hồ tiêu của mình.
Cũng vì đầu tư liều, trồng ở nơi thiếu nước tưới nên 2ha hồ tiêu của ông “phó mặc cho trời” từ lâu. Mặc dù đã đào giếng sâu tới 40m nhưng cũng không đủ nước tưới. Ông Vinh đang tiếc đứt ruột vì hơn 1 tỷ đồng đầu tư ban đầu đã “bay” mất. Vài trường hợp ở thôn Hô Bua (xã Chư Pơng) đang gánh số nợ tiền tỷ vì đầu tư trồng hồ tiêu không hiệu quả mà chưa biết làm thế nào để trả nợ ngân hàng.
Theo ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, mỗi hécta hồ tiêu cần khoảng 2.200 trụ, giá trụ xi măng thời điểm hiện nay khoảng 150.000 đồng. Tiền giống, công làm bầu, chăm sóc từ kiến thiết ban đầu đến năm thứ 4 để cho thu hoạch lên đến 700 triệu đồng, đó là chưa kể tiền đất.
Tiền đầu tư kiến thiết vườn tiêu ban đầu không ít, tại Gia Lai hiện có một số lượng không nhỏ nhà nông vay tiền ngân hàng để trồng hồ tiêu. Trong khi giá hồ tiêu không phải lúc nào cũng đạt đỉnh như bây giờ, chỉ vài năm sau, nhiều nông dân có thể sẽ thất bại nặng và ôm số nợ khổng lồ bởi vì quyết định chặt – trồng mới.
Bên cạnh đó, vài ba năm trở lại đây, những vườn hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng trải qua các đợt thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều vườn tiêu đang xanh tốt, cho quả sum suê đã bị khô gốc, thối rễ chết hàng loạt, khiến không ít gia đình lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.
ĐỨC TRUNG