Để thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn, thời gian qua, TPHCM đã triển khai hàng loạt giải pháp thiết thực, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ công đồng doanh nghiệp đạt hiệu quả cao.
Nhiều mô hình thiết thực
Mô hình xây dựng nhà xưởng cao tầng cho doanh nghiệp thuê tại khu công nghệ cao, các khu chế xuất (KCX) Linh Trung, Tân Thuận và khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, Đông Nam là điển hình minh chứng cho sự nắm bắt sát nhu cầu bức xúc của doanh nghiệp. Dự án này được các doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng ứng. Bởi lâu nay, việc tìm kiếm một mặt bằng phù hợp với quy quy mô năng lực hoạt động cho các doanh nghiệp rất khó khăn, do quỹ đất quanh khu vực TPHCM bị hạn chế; trong khi mặt bằng tại các KCN, KCX đều có sẵn nhưng quy mô lớn, vượt khả năng tài chính và nhu cầu của doanh nghiệp. Theo thiết kế, quy mô dự kiến mỗi nhà xưởng khoảng 3-8 tầng, diện tích từ 10.000m2 - 40.000m2. Mục tiêu của dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một số nhà đầu tư nước ngoài sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có nhu cầu mở xưởng sản xuất nhỏ để thăm dò thị trường và môi trường đầu tư trước khi quyết định đầu tư lâu dài vào Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của TP.
Mô hình xây dựng nhà xưởng cao tầng minh chứng cho sự nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp. (Nhà xưởng cao tầng tại KCX Tân Thuận) Ảnh: CAO THĂNG
Trước đó, KCN Hiệp Phước đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của Khu Kỹ nghệ Việt Nhật với diện tích 13ha, vốn đầu tư 31 triệu USD. Đây là mô hình nhà xưởng xây sẵn đầu tiên trên địa bàn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT của Nhật Bản thuê. Đến nay, đã có hàng chục doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu và thuê nhà xưởng hoạt động. Cuối tháng 8-2015, Sở Công thương TPHCM đã chính thức ra mắt Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM. Sự ra đời của Trung tâm sẽ là đầu mối trong việc triển khai thực hiện các chính sách của Nhà nước từ công tác tư vấn, hỗ trợ thủ tục tiếp cận ưu đãi cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường, xúc tiến đầu tư, phối hợp đào tạo cho đến việc điều phối các hoạt động, chương trình về CNHT... Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ được tiếp cận vốn vay, được hỗ trợ lãi suất từ 50%-100% với mức thời gian và nguồn vốn vay ở mức nhất định, tùy quy mô và nhu cầu doanh nghiệp. Hiện nay, đề án Phát triển CNHT trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2015-2020 đã hoàn thành giai đoạn 1 nhằm tập trung phát triển nhóm sản phẩm gồm: Cơ khí, điện tử - viễn thông; hóa chất, cao su - nhựa; chế biến tinh lương thực - thực phẩm và hai ngành nghề truyền thống dệt may, da giày. Ngoài ra, TPHCM cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, như thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm nắm bắt những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải để có những góp ý và định hướng; tổ chức các cuộc kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp.
Đầu tư còn dàn trải
Chỉ tính riêng chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, sau 3 năm triển khai đã giải ngân hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho hàng ngàn doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tìm đến Quỹ Bảo lãnh tín dụng thành phố, Quỹ Tư vấn miễn phí… giúp các doanh nghiệp trong công tác lập dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, tư vấn tài chính kế toán khi có nhu cầu. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP cho biết, đã và đang tập trung chỉ đạo các Ngân hàng thương mại trên địa bàn linh động trong việc cho các doanh nghiệp vay vốn, nhất là trường hợp không có tài sản thế chấp. Cụ thể, những doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi nhưng thiếu tài sản thế chấp sẽ được tạo điều kiện vay vốn từ các ngân hàng thương mại theo các hình thức như vay không có tài sản thế chấp; vay được quỹ bảo lãnh tín dụng TP bảo lãnh.
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, với hàng loạt giải pháp đồng bộ, quyết liệt được triển khai thời gian gần đây, quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn TPHCM tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành công nghiệp khai khoáng. Tuy nhiên, do các ngành đều có nhu cầu đầu tư phát triển, vì vậy đầu tư trong thời gian qua còn dàn trải chưa thể tập trung lớn để thúc đẩy phát triển hạ tầng các ngành công nghiệp trọng yếu. Đối với hoạt động đầu tư vào lĩnh vực CNHT mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách, triển khai lập dự án; một số dự án đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động nên chưa đáp ứng đầy đủ nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng hóa. Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM Huỳnh Văn Minh cũng cho biết, thời gian qua chính quyền thành phố đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ tài chính ở các giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, nhờ đó doanh nghiệp đã có nhiều thuận lợi hơn trong triển khai công tác nghiên cứu hoặc thực hiện các ý đồ đổi mới sản phẩm hoặc quy trình công nghệ. Nhưng về dài hạn, TP cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; củng cố và phát triển hệ thống phân phối. Đồng thời, TP cần đứng ra tổ chức, tạo dựng thị trường cung cấp thông tin cần thiết, giúp doanh nghiệp ra được quyết định đúng đắn về đầu tư sản xuất, tránh hoạt động sản xuất tự phát, thay vào đó sẽ sản xuất, kinh doanh đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, đặc biệt đón đầu tốt xu thế hội nhập.
LẠC PHONG