(SGGP). - Đây là một trong những quy định mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực từ ngày 1-1-2015.
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế, trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có nhiều điểm mới, trong đó đáng chú ý là luật quy định việc tham gia BHYT là hình thức bắt buộc thay vì trách nhiệm tham gia.
Để số người tham gia BHYT ngày càng nhiều, nhằm thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân, nhà nước sẽ hỗ trợ mức đóng BHYT khi tham gia theo hộ gia đình. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở, người thứ 2, thứ 3, thứ 4 trong gia đình đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất. Ngoài ra, với đối tượng là người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, cư dân sinh sống tại xã đảo, huyện đảo sẽ được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT cho hàng năm.
Về mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh, theo quy định mới, người nghèo, người tộc thiểu số, nhân người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ sẽ không phải cùng chi trả 5% chi phí khám chữa bệnh, điều này đồng nghĩa là nâng mức hưởng BHYT từ 95% lên 100%. Thân nhân người có công còn lại, hộ cận nghèo được nâng mức hưởng từ 80% lên 95%. Người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì Quỹ BHYT chi trả 100% cho phí khám chữa bệnh, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến.
Bên cạnh đó, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung cũng mở thông tuyến khám chữa bệnh khi quy định, người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo sinh sống tại vùng có điều kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo, được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi khi tự đi khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú tại các bệnh viện tuyến huyện; điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương.
MINH KHANG