Ngày làm việc thứ hai của Đại hội Đoàn

Hỗ trợ thanh niên những vấn đề thiết thực của cuộc sống

Nâng độ tuổi đoàn viên

Ngày 19-12, tại Hà Nội, Đại hội (ĐH) Đoàn toàn quốc lần thứ IX tiếp tục ngày làm việc thứ hai. ĐH đã thông qua dự thảo sửa đổi Điều lệ Đoàn TNCSHCM, báo cáo của BCH Trung ương Đoàn khóa IX, đề án xây dựng BCH TƯ Đoàn khóa IX. ĐH cũng đã thông qua danh sách 154 đồng chí để bầu ra BCH TƯ Đoàn khóa IX gồm 145 người.

Trong số 154 đồng chí trong danh sách bầu cử, có 153 đồng chí do BCH TƯ Đoàn khóa VIII giới thiệu, 1 đồng chí được giới thiệu tại ĐH. Có 8 đồng chí tự ứng cử tại ĐH (trong đó có Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình...), tuy nhiên 8 đồng chí này đều nằm trong danh sách BCH TƯ Đoàn khóa VIII đã giới thiệu. ĐH đã tiến hành bỏ phiếu bầu vào cuối giờ chiều qua, kết quả sẽ được công bố vào ngày 20-12.

Nâng độ tuổi đoàn viên

Dự thảo Điều lệ sửa đổi nâng tuổi đoàn lên từ 16 đến 30 tuổi (cao hơn 1 tuổi so với quy định trước đây là 15 tuổi). Đây là điểm sửa đổi lớn, có tính căn bản nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng người đoàn viên, đồng thời cũng để phù hợp với Luật Thanh niên (Luật này quy định thanh niên là công dân từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi). Đại đa số đại biểu (ĐB) đồng tình việc nâng độ tuổi đoàn viên.

Tuy nhiên, theo ĐB Ngô Xuân Thắng (đoàn Đà Nẵng), tuổi Đoàn được nâng lên 16 - 30 tuổi, nhưng giai đoạn cuối của tuổi 15 thì các em đã lên THPT. Mà ở cấp học này không còn tổ chức Đội, vậy ai sẽ quản lý các em? Nhiều ĐB ở nông thôn lo lắng sẽ rất khó kết nạp đoàn viên nếu quy định từ đủ 16 tuổi trở lên.

Anh Vũ Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, TPHCM cũng cho rằng, nếu thống nhất nâng tuổi đoàn lên thì phải tìm giải pháp để tiếp tục có môi trường chuyển tiếp cho các em từ cấp học THCS lên THPT, tránh việc các em bị “hẫng” trong giai đoạn này.

Kiên quyết xóa tên đoàn viên bỏ sinh hoạt liên tục

Thêm một nội dung bổ sung quy định quan trọng trong Điều lệ Đoàn sửa đổi là đoàn viên bị xem xét xóa tên nếu không tham gia sinh hoạt Đoàn 3 tháng liên tục hoặc không đóng đoàn phí 3 tháng trong 1 năm mà không có lý do chính đáng. Về điều này, các ý kiến thảo luận đều thống nhất cho rằng cần thiết để nâng cao chất lượng quản lý đoàn viên.

Đại biểu Triệu Văn Phượng (Bí thư Huyện đoàn Yên Thế, Bắc Giang), đề xuất, cần có quan điểm xử lý nghiêm khắc đối với các đoàn viên thường xuyên vắng họp. Về vấn đề này, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Võ Văn Thưởng cũng kiên quyết: “Ít nhất BCH TƯ Đoàn khóa mới sẽ không có chỗ cho những người trốn họp”!

Vấn đề phụ cấp cho cán bộ đoàn cũng được các ĐB đề xuất phải điều chỉnh, vì với mức phụ cấp ít ỏi như hiện nay (246.000 đồng/tháng), rất nhiều cán bộ đoàn đã nghỉ việc, trước khi nghĩ đến việc... cống hiến.

Ở một khía cạnh khác, Vũ Anh Tuấn (lưu học sinh tại Nga), một trong 7 đại biểu thanh niên đang học tập ở nước ngoài về dự ĐH bày tỏ: “Đa số các bạn lưu học sinh sau khi học xong đều muốn về nước cống hiến cho Tổ quốc. Nhưng sau một thời gian trở về, không tìm được việc làm, họ lại ra đi dù trong lòng đầy nuối tiếc”.

Về điều này, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn Võ Văn Thưởng cam kết “hàng năm, lãnh đạo TƯ Đoàn sẽ giao lưu trực tuyến với thanh niên Việt Nam ở nước ngoài 1-2 lần để cùng nhau trao đổi, chia sẻ các thông tin, từ đó để hỗ trợ thanh niên những vấn đề thiết thực của cuộc sống”.

Hôm nay 20-12, ĐH công bố kết quả bầu BCH TƯ Đoàn khóa mới. Dự kiến, một nội dung quan trọng là ĐH sẽ đối thoại trực tiếp với Thường trực Chính phủ về các vấn đề mà thanh niên quan tâm.

Quang Phương

Anh Đào Văn Lộc, Phó Bí thư Huyện đoàn Bình Đại, Bến Tre:
Đoàn yêu cầu thanh niên cống hiến nhiều, nhưng lại hỗ trợ rất ít

Điều mạnh nhất, cần nhất của giới trẻ là tinh thần chủ động xung kích và xông pha ở mọi lĩnh vực, mọi địa bàn. Cách thu hút hiệu quả nhất, thiết thực nhất là phải tạo điều kiện để thanh niên ổn định cuộc sống, phải được có điều kiện học hành, việc làm tốt. Từ đó, thanh niên sẽ chủ động tham gia các việc khó, việc khổ. Từ trước đến nay, Đoàn yêu cầu thanh niên cống hiến nhiều, nhưng lại hỗ trợ rất ít.

Anh Vũ Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng, TPHCM:
Cán bộ Đoàn phải gắn với chuyên môn

Đào tạo cán bộ Đoàn là khâu quan trọng nhất, quyết định chất lượng của công tác Đoàn trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà sự chuyển đổi của xã hội rất mạnh mẽ và yêu cầu của thanh niên thì ngày càng cao. Thanh niên bây giờ rất nhiều người giỏi. Vì thế, Đoàn phải thay đổi khâu đào tạo cán bộ Đoàn. Cán bộ Đoàn phải gắn với chuyên môn. Nếu cán bộ Đoàn hiệu triệu anh em mà thiếu trình độ thì rất khó thuyết phục.

Q.PH.

Tin cùng chuyên mục