Hồ “tử thần” giữa làng đại học

Hồ Đá (còn gọi hầm Đá) nằm ngay trong khuôn viên Khu đô thị Đại học quốc gia (ĐHQG) TPHCM (thuộc địa phận thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên cảnh báo đến người dân và học sinh, sinh viên (HS-SV) trong khu vực về tai nạn luôn chực chờ nhưng các vụ đuối nước vẫn liên tục xảy ra…

Hồ Đá (còn gọi hầm Đá) nằm ngay trong khuôn viên Khu đô thị Đại học quốc gia (ĐHQG) TPHCM (thuộc địa phận thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên cảnh báo đến người dân và học sinh, sinh viên (HS-SV) trong khu vực về tai nạn luôn chực chờ nhưng các vụ đuối nước vẫn liên tục xảy ra…

Hồ sâu, nước lạnh

Khuôn viên Khu đô thị ĐHQG TPHCM có 5 hồ lớn, nằm biệt lập nhưng có chung tên gọi là hồ Đá với tổng diện tích hơn 100ha, trong đó hồ lớn nhất hơn 30ha, quanh năm nước trong xanh, mặt hồ phẳng lặng. Hồ hình thành từ quá trình khai thác đá qua hàng chục năm để phục vụ cho ngành xây dựng, đã tạo thành những hố sâu, bao quanh có những vách đá lởm chởm. Cùng với lượng lớn nước mưa và nguồn nước ngầm chảy ra từ các vách đá, tạo thành hồ nhân tạo với cảnh quan thơ mộng. Giữa hồ có những mỏm đá nhô lên dễ cuốn hút người trẻ bơi ra khám phá đảo đá và chụp ảnh.

Tuy nhiên, nước trong hồ này rất lạnh vì chảy ngầm ra quanh năm từ vách đá nên rất dễ gây “chuột rút” cho người bơi, rồi đi đến hoảng hốt, mất kiểm soát, dẫn đến việc đuối nước. Không chỉ vậy, đây là một trong những hồ nước sâu nhất nước ta, số liệu đo đạc được vào khoảng 60 - 70m và độ sâu trải đều toàn bộ khu vực hồ, vì vậy nếu rơi vào tình trạng đuối sức, chới với thì gần như không thể cứu được. Đây cũng là nguyên nhân nhiều vụ cứu người bất thành trong hồ Đá những năm qua.

Phớt lờ cảnh báo

Ngay sau khi liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước trong vòng 2 tuần làm 3 người thiệt mạng, chúng tôi trở lại hồ Đá và nhận thấy tại đây vẫn có hàng chục người dân và không ít HS-SV vẫn bình thản đến thả câu, nô đùa. Một nhóm bạn trẻ đang tạo những kiểu dáng độc, lạ cho album hình cưới ven miệng hồ “tử thần”, như chưa hề biết gì về sự nguy hiểm đang chực chờ nếu chẳng may té ngã.

Nhóm bạn trẻ bất chấp nguy hiểm chụp hình cưới bên bờ hồ “tử thần”

Theo người dân tại khu vực này, những năm gần đây, tại hồ Đá có hàng chục người tử vong vì đuối nước. Năm xảy ra nhiều nhất với hơn 10 vụ, khiến những câu chuyện thêu dệt hoang đường trở nên quen thuộc như: “lời nguyền tử thần”, “hồ ma”… Ông Trần Văn Hùng, người dân sống gần khu vực hồ đá, cho biết: “Tôi đã chứng kiến hàng chục vụ đuối nước tại đây, có thời điểm vụ việc xảy ra chỉ cách nhau vài ngày như trường hợp 4 công nhân rủ nhau bơi ra hồ tắm khiến 1 người chết vào ngày 31-10; sau đó 1 tuần có thêm cô gái trẻ đuối nước, tôi bơi ra dìu vào bờ sơ cứu nhưng không kịp vì nạn nhân đã tử vong dưới nước”.

Đại diện Trung tâm Quản lý và phát triển Khu đô thị ĐHQG TPHCM cho hay, đã có nhiều khuyến cáo đến HS-SV cũng như người dân trong khu vực, đây là khu vực không được bơi lội nhưng nhiều người vẫn tụ tập, bất chấp nguy hiểm xuống hồ. Nhiều trường hợp nhậu say rồi muốn xuống hồ tắm, khi được can ngăn còn cự cãi, chống đối nên công an phải cương quyết can thiệp, đưa về trụ sở thuyết phục”. 

Thiết nghĩ, đã đến lúc phải áp dụng những biện pháp mạnh hơn như xử lý hành chính, xây tường rào kiên cố để hạn chế người dân vào khu vực này tụ tập bơi lội, chụp hình, câu cá.

XUÂN TRUNG

Tin cùng chuyên mục