Hòa điệu phố phường

Bản hòa tấu cất lên trong khán phòng đủ thinh lặng, đủ sang trọng để nhạc cổ điển thăng hoa hay những giai điệu rộn ràng qua phố phường, ngân nga giữa những công trình di sản… Bản hòa tấu cất lên trong khán phòng đủ thinh lặng, đủ sang trọng để nhạc cổ điển thăng hoa hay những giai điệu rộn ràng qua phố phường, ngân nga giữa những công trình di sản… 

1. Những giai điệu cổ điển Bắc Âu mở màn buổi hòa nhạc ở tiền sảnh Nhà hát TPHCM tạm dừng, để liên khúc Lá cờ Tháng 8 - Giai điệu tự hào - Khúc khải hoàn biểu diễn, nhân kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9.

Khán giả Phạm Thị Thu Trang (30 tuổi, ở quận Gò Vấp) chia sẻ: “Tôi bắt đầu nghe và tìm hiểu nhạc cổ điển khoảng 1 năm lại đây thôi, nên rất thích những chương trình như thế này. Hôm nay, là ngày Quốc khánh nước mình, họ dành thời gian cho tiết mục nhạc cách mạng ở vị trí đẹp nhất trong chương trình, mọi thứ hài hòa, khán giả vỗ tay quá chừng. Dù không gian ngoài trời nhưng âm thanh rất êm, giai điệu vẫn sang trọng”.

Khác với khán phòng tiêu chuẩn, không gian sang trọng, chương trình Hòa nhạc giai điệu Volvo (dự án Volvo meets Symphony 2022 - chương trình kết hợp giữa hòa tấu âm nhạc Bắc Âu và nhạc giao hưởng) biểu diễn định kỳ vào thứ bảy hàng tuần (từ 2-9-2022 đến tháng 1-2023), ở sảnh Nhà hát Thành phố, bắt đầu chinh phục khán giả bằng sự gần gũi của không gian biểu diễn. 

“Thực tình là tôi thường nghe nhạc Việt Nam hoặc đi xem kịch, rất ít khi để ý đến nhạc cổ điển. Bữa nay, nghỉ lễ, đi một vòng thành phố với nhóm bạn rồi dừng lại nghe thử, dù chưa hiểu nhiều nhưng vẫn cảm thấy hay. Trước giờ, tôi nghĩ nghe nhạc cổ điển như vầy phải mua vé tiền triệu, khán phòng cách âm, sang trọng lộng lẫy, không ngờ biểu diễn ngoài trời cũng rất hợp, gần gũi và âm lượng giai điệu rất vừa vặn”, chị Nguyễn Thanh Phương (32 tuổi, quận 6, TPHCM) cho hay.

Và để lan tỏa những giai điệu cổ điển, nâng cao thẩm mỹ thưởng thức của khán giả, ngoài những chương trình thuộc các đơn vị công lập, nhiều nhóm bạn trẻ ở TPHCM cũng tổ chức những buổi hòa nhạc nhỏ. Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn thường xuyên tổ chức những buổi hòa nhạc và trò chuyện chia sẻ kiến thức về nhạc hàn lâm tại nhiều quán cà phê ở TPHCM.

Anh Nguyễn Võ Lâm (thành viên sáng lập Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn) bày tỏ: “Nhạc cổ điển muốn nghe và cảm được thì phải hiểu, nên nhóm thường chia sẻ bài viết phân tích về các bản nhạc lên mạng xã hội, tổ chức trò chuyện cùng các nghệ sĩ để khán giả và âm nhạc hàn lâm gần nhau hơn. Và dù là nhạc hàn lâm, lâu đời nhưng chúng tôi chọn không gian biểu diễn linh hoạt có khi ở quán cà phê, có khi ngoài trời để gần với khán giả và hòa điệu với nghệ thuật đương thời hơn”.

Hòa điệu phố phường ảnh 1 Một buổi hòa nhạc cổ điển do Nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn tổ chức

2. Trong nhịp sống văn hóa nghệ thuật, giải trí tiếp nhận nhiều làn sóng mới từng ngày, từng giờ, những chương trình âm nhạc cộng đồng kết nối khán giả với không gian công cộng được TPHCM chú trọng. Những giai điệu vang lên qua các công trình kiến trúc, bảo tàng ở thành phố, lan tỏa dòng chảy nghệ thuật góp phần mang sắc màu hội tụ và phát huy giá trị di sản trong nhịp sống đương thời.

Sân khấu dựng ngay khu vực nhà ga bến tàu thủy Bạch Đằng - Saigon Waterbus, chương trình âm nhạc đường phố “Có hẹn với Sài Gòn” diễn ra vào mỗi chiều thứ bảy hàng tuần thu hút rất đông khán giả dạo phố. Những cơn mưa chiều bất chợt, nhưng người xem vẫn nán lại cùng ban nhạc và ca sĩ.

“Nhiều bài hát được sáng tác lâu rồi, nhưng ca sĩ trẻ và bản phối mới khiến mình nghe thấy thích hơn. Hát ngoài trời, có mưa thì chịu ướt thôi, nhưng tôi thích không gian như thế này, sân khấu ngay bờ sông Sài Gòn đủ thơ mộng và đủ gần khán giả”, anh Trương Thanh Hoài (34 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) chia sẻ.

Kết nối công chúng gần hơn với những giá trị di sản, chương trình biểu diễn nghệ thuật “Thành phố tình yêu - Lively Saigon”, âm nhạc vang lên ở không gian các bảo tàng cũng chinh phục nhiều bạn trẻ.

Những ca khúc về tuổi học trò kết thúc, tiếng vỗ tay hào hứng, Trần Thanh Thư (22 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) bày tỏ: “Tôi rất ít đi bảo tàng, nhưng biết tin có chương trình ca nhạc ở đây nên rủ nhóm bạn đi cùng. Hóa ra có nhiều cái hay hơn tôi nghĩ, không gian bảo tàng có nhiều điều để mình tìm hiểu. Hơn nữa, chương trình ca nhạc tổ chức thế này mang lại cho mình cảm giác rất thân thiện và kết nối, không câu nệ chỗ ngồi gần hay xa sân khấu, không phân biệt loại vé, vì chương trình phục vụ cộng đồng miễn phí”.

Dòng chảy nghệ thuật nơi đô thị năng động nhất nhì trong cả nước, không ngừng tiếp nhận những làn sóng văn hóa mới. Tiếp thu cái mới và biến đổi chúng để phù hợp với nhịp sống của riêng mình trở thành bản sắc của TPHCM, nơi giai điệu phố phường có đủ những góc riêng để kết nối với cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục