Đây là một thay đổi lớn về hình thức quản lý với đối tượng mà lâu nay ngành tài chính cho rằng “tốn nhiều nhân lực nhưng thu được thuế ít nhất”. Đó là đối tượng thuế khoán, chỉ đóng góp 2% trong tổng số thu. Quy định mới này liệu có chống được thất thu thuế?
Theo quy định tại nghị định trên thì tổ chức, doanh nghiệp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, buộc phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung. Hình thức này giống như phiếu tính tiền ở các siêu thị.
Trong đó, hóa đơn giá trị gia tăng, bao gồm cả hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Còn hóa đơn bán hàng, bao gồm cả hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Các loại hóa đơn điện tử trên phải được định dạng chuẩn dữ liệu do Bộ Tài chính quy định. Nghị định này quy định rõ, trong 24 tháng kể từ ngày 1-11-2018, các hộ kinh doanh, cá nhân, doanh nghiệp phải chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử. Khi chuyển sang hóa đơn điện tử thì phải tiêu hủy toàn bộ hóa đơn giấy chưa sử dụng.
Nghị định cũng quy định rõ, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng, cung cấp dịch vụ. Trong khi theo quy định cũ là hàng hóa có giá trị trên 200.000 đồng/lần mới buộc phải xuất hóa đơn. Đáng chú ý, các doanh nghiệp, đơn vị tài chính - tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế phải xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, có hệ thống phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn điện tử, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định và đảm bảo việc truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế thì mới được sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Có nghĩa là, trước đây nhiều siêu thị tự xây dựng phần mềm bán hàng, tự xuất phiếu bán hàng mà không cần kết nối dữ liệu với cơ quan thuế để cơ quan thuế theo dõi, thì nay buộc phải kết nối điện tử với cơ quan thuế. Cán bộ thuế có thể ở cơ quan cũng nắm bắt được hoạt động thương mại của doanh nghiệp.
Còn đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Chống thất thu ở hộ cá thể
Điểm mới ở nghị định này là những hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn điện tử miễn phí cũng sẽ được cấp cho các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 3 tỷ đồng trở lên trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày sử dụng hóa đơn điện tử.
Thế nhưng, lâu nay việc thất thu thuế ở khu vực hộ thuế khoán là ở chỗ “cưa đôi”, có nghĩa cán bộ thuế và hộ kinh doanh bắt tay nhau khoán doanh số giảm xuống để nộp thuế ít và chia chác trục lợi. Đó là lý do tiểu thương ở các chợ đầu mối, trung tâm thương mại có doanh số bán hàng mỗi ngày hàng trăm triệu đồng nhưng “được” khoán ở mức rất thấp. Và doanh số thực chỉ bị phát hiện khi ban quản lý chợ “báo cáo thành tích” về hoạt động thương mại của chợ với doanh thu cao gấp nhiều lần so với cơ quan thuế báo cáo. Do vậy, dù chuyển đổi sang hóa đơn điện tử nhưng không áp dụng đối với tất cả hộ khoán thì việc áp dụng hóa đơn điện tử cũng chẳng giúp thu được thuế mà còn tạo khoảng cách lớn đối với hộ bị đánh giá “đủ điều kiện” sử dụng hóa đơn điện tử, so với những hộ kinh doanh thông thường khác.
Lần này nghị định có quy định rõ đối với những ngành có nguy cơ thất thu thuế cao như nhà hàng, khách sạn, bán lẻ tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng… nếu có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm sẽ triển khai trên toàn quốc. Thế nhưng, sau khi chúng tôi đi khảo sát thực tế thì nhiều hộ, cá nhân kinh doanh không muốn áp dụng hóa đơn điện tử có kết nối với cơ quan thuế. Nguyên nhân, họ sợ cơ quan thuế nắm được doanh số thực và áp thuế cao hơn, trong khi hiện nay họ được một cán bộ thuế quản lý địa bàn áp thuế và có thể “du di” để nộp thuế ít hơn, có lợi hơn.