Đã xuất hiện những phiên đấu giá nghệ thuật thực sự và một minh chứng là nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam đã được bán với giá cao ngất tại các sàn đấu giá nghệ thuật trong nước và quốc tế. Đấy là tin vui, là tín hiệu tốt để hình thành thị trường nghệ thuật trong nước cũng như giúp ngành mỹ thuật khởi sắc, lấy lại uy tín sau bao nhiêu thăng trầm. Tuy nhiên, với nhiều họa sĩ trẻ hiện nay, câu chuyện vươn ra tầm quốc tế có vẻ không mấy dễ dàng.
Chưa thực sự nhìn ra cơ hội
Tiếp theo sau nhà đấu giá Chọn ở Hà Nội, giới nghệ thuật trong nước đã bày tỏ sự háo hức và hân hoan mong đợi khi nhà đấu giá LyThi Auction tuyên bố chính thức ra mắt bằng phiên đấu giá vị nghệ thuật đầu tiên được tổ chức tại TPHCM. Không liên tiếp lên sàn đấu giá như Chọn, đến nay LyThi Auction mới tổ chức được 2 phiên đấu, tuy nhiên những kết quả và sự khích lệ mà LyThi Auction mang lại cho đông đảo công chúng và giới mộ điệu nghệ thuật là không hề nhỏ. Điều này cũng đồng nghĩa, sự ra đời của các sàn đấu giá nghệ thuật đã tạo động lực mạnh mẽ để các nghệ sĩ chân chính sáng tác, tạo cơ hội để các họa sĩ trẻ thỏa sức sáng tạo.
Sự kiện được đánh giá nổi bật và đình đám nhất phải kể đến là cuộc thi Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp (Viet Art Today 2016-2017) lần đầu tiên được tổ chức rất quy mô, dành cho các tác giả trẻ cả nước. Cuộc thi do CLB Họa sĩ trẻ của Hội Mỹ thuật TPHCM phối hợp cùng Gallery Nguyên tổ chức, với khát khao tìm kiếm con đường hình thành một nền mỹ thuật chuyên nghiệp dành cho họa sĩ trẻ Việt Nam. Những tài năng được phát hiện từ cuộc thi sẽ có điều kiện tốt nhất để phát huy chuyên môn và cống hiến hết mình cho đam mê hội họa, được sống và đi đến cùng với con đường sáng tác đã chọn, được trao cơ hội để bước ra với nền mỹ thuật rộng lớn của thế giới. Những thông điệp từ cuộc thi cũng chính là biết bao trăn trở, tâm tư của nhiều người không chỉ trong giới nghệ thuật. Họa sĩ - NGND Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, đánh giá: “Về mặt chuyên môn, chúng tôi coi đây là tín hiệu tốt, cho thấy người ta trân trọng tài năng thực sự và quan tâm đến sáng tạo trẻ mang thương hiệu Việt Nam. Tất nhiên, phía đầu tư cũng quan tâm xây dựng thương hiệu của chính mình. Sự đầu tư trong sáng này rất đáng hoan nghênh vì họ là người Việt, yêu văn hóa Việt và tài năng của tuổi trẻ Việt Nam trong thế kỷ 21”.
5 gương mặt trẻ xuất sắc nhất đã được cuộc thi Họa sĩ trẻ chuyên nghiệp tuyển chọn trao giải thưởng, gồm giải nhất thuộc về Nguyễn Minh Nam, giải nhì Nguyễn Đức Hùng, giải ba Nguyễn Thị Hoàng Minh và 2 giải khuyến khích Võ Thành Thân, Nguyễn Thái Thăng. Cơ hội từ cuộc thi là rất lớn, giải nhất gồm tiền mặt 100 triệu đồng, 1 chuyến tham quan hội chợ nghệ thuật tại Singapore và được hợp đồng độc quyền với nhà tài trợ Gallery Nguyên trong 5 năm với mức đầu tư 2,5 tỷ đồng. Giải nhì và giải ba ngoài chuyến tham quan hội chợ nghệ thuật tại Singapore là hợp đồng số tiền đầu tư lần lượt là 1,5 tỷ đồng và 1 tỷ đồng… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai trong số này hội đủ điều kiện để được ký hợp đồng độc quyền với gallery.
Tư duy thiếu chuyên nghiệp
Một số họa sĩ trẻ có vẻ không hài lòng khi cuộc thi kết thúc mà vẫn chưa có cơ hội được ký hợp đồng độc quyền với gallery như hứa hẹn. Phía gallery thì tỏ ý không được vui khi phải chi phí gần 3 tỷ đồng tổ chức cuộc thi nhưng kết quả lại chưa được như mong muốn. “Mỹ thuật không đơn giản là chuyện họa sĩ tạo ra tác phẩm, mà có sự liên hệ của nhiều yếu tố như giám tuyển (curator), nhà sưu tập, hệ thống gallery, nhà đấu giá… Điều quan trọng của họa sĩ là có một giám tuyển giỏi nghề, những nhà sưu tập có tâm. Các họa sĩ phải ra ngoài để tiếp xúc với trào lưu mỹ thuật bên ngoài hoặc mời giám tuyển giỏi của thế giới đến hỗ trợ”, bà Ildegarda E.Scheidegger, Tiến sĩ lịch sử mỹ thuật người Thụy Sĩ, nguyên Giám đốc phụ trách mảng Mỹ thuật châu Á của nhà đấu giá Sotheby’s, thành viên ban giám khảo cuộc thi, từng chia sẻ.
Họa sĩ Trần Thanh Cảnh, Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật TPHCM, bày tỏ: “Cuộc thi đã tạo điều kiện rất tốt, làm cầu nối cho các họa sĩ trẻ trong nước kết nối với trên 300 nhà sưu tập đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây là cơ hội quý giá để các họa sĩ trẻ sáng tạo và thể hiện khả năng của mình với bạn bè quốc tế. Không cho đi thì làm sao được nhận?”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để hội đủ điều kiện ký hợp đồng độc quyền với một gallery, các họa sĩ phải chứng tỏ được năng lực của mình, đáp ứng rất nhiều yếu tố: minh bạch quá trình làm việc trước đây như từng tham gia triển lãm, hợp tác với gallery nào, đối tượng từng mua tranh của mình là ai, thời điểm nào, giá tranh bao nhiêu… cũng như cả hai bên phải đạt được những thỏa thuận trong tương lai về sáng tác tác phẩm, giá tranh, cơ chế hợp tác, chiến lược đầu tư cho họa sĩ từng giai đoạn, chiến lược quảng bá, xây dựng tên tuổi… Tất cả đều hướng đến chuyên nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, thường không phải lúc nào hai bên cũng đi đến thống nhất, cũng cơm lành canh ngọt. Phía gallery bỏ tiền đầu tư cho họa sĩ thường có tầm nhìn xa, xây dựng chiến lược bài bản, chậm mà chắc. Trong khi nhiều họa sĩ trẻ thường có tâm lý nóng vội, làm việc thiếu chuyên nghiệp, chủ quan theo cảm hứng, cái tôi cá nhân quá lớn, muốn một bước thành sao. Đó là chưa kể, tác phẩm của họa sĩ có bán được hay không còn tùy thuộc vào sự “may mắn”, độ “ăn khách” của thị trường.
Sự chuyên nghiệp ở đây phải xuất phát từ cả hai phía, cả họa sĩ và gallery cần chuyên nghiệp, tuân thủ thỏa thuận, tôn trọng và tin tưởng nhau. “Không ít trường hợp vì tiền mà hai bên thiếu tin tưởng nhau, dẫn đến tan rã. Như có lần nhà sưu tập Hàn Quốc sau khi xem tranh ở gallery đã tìm đến nhà họa sĩ. Tại đây, ông kết luận tranh của họa sĩ ở gallery đẹp hơn. Anh chàng nghe vậy tức tốc chạy ra gallery nằng nặc lấy tranh về để bán bằng được”, bà Quỳnh Nga, chủ Gallery Không gian xanh, kể. Cũng không ít trường hợp, phòng tranh không trung thực trong giá bán tác phẩm (để trả phí môi giới thấp hơn cho người giới thiệu), hoặc để giảm tỷ lệ phần trăm khiến họa sĩ mất lòng tin.
Nói về đội ngũ nghệ sĩ trẻ hiện nay, họa sĩ Uyên Huy đặt nhiều niềm tin: “Giới trẻ ngày nay sáng tác rất tốt. Họ là những người yêu nghề, tài giỏi, đam mê sáng tạo, thị hiếu thẩm mỹ tốt, có cái riêng thực sự. Cái mới, cái riêng họ có được do nỗ lực cá nhân, dám nghĩ, dám làm. Những ai nghi ngờ thế hệ trẻ là không tin tưởng vào tài năng của người Việt. Có thể kể đến nhiều bạn trẻ uy tín hiện nay như Lê Kinh Tài, Lê Thiết Cương, Mai Anh Dũng, Lim Khim Katy, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Hoài Huyền Vũ, Bùi Hải Sơn, Hoàng Tường Minh, Nguyễn Hoàng Ánh… đều là những nghệ sĩ có tài. Nghệ thuật của họ luôn gắn với cái mới, với cộng đồng. Ở họ không hề có sự bảo thủ, tự kiêu và độc tôn. Đấy là những nghệ sĩ trẻ đương đại đáng trân trọng”.