Hoàn thiện nội hàm và vận hành tốt nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Ngày 23-10, Quốc hội làm việc tại các đoàn đại biểu Quốc hội, thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tại đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị nêu vấn đề: “Sau 30 năm đổi mới, dự thảo kỳ này đã nêu khá đầy đủ nội hàm của kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đồng chí Lê Thanh Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội TPHCM quan tâm góp ý, hoàn thiện định nghĩa này, tạo nền tảng lý luận vững chắc để vận hành tốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngày 23-10, Quốc hội làm việc tại các đoàn đại biểu Quốc hội, thảo luận về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Tại đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị nêu vấn đề: “Sau 30 năm đổi mới, dự thảo kỳ này đã nêu khá đầy đủ nội hàm của kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đồng chí Lê Thanh Hải đề nghị các vị đại biểu Quốc hội TPHCM quan tâm góp ý, hoàn thiện định nghĩa này, tạo nền tảng lý luận vững chắc để vận hành tốt nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cải cách thể chế một cách đồng bộ

Bàn về lĩnh vực kinh tế, ĐB Trần Du Lịch hoan nghênh tinh thần tiếp tục đổi mới, cách thể hiện khoa học hơn trong dự thảo văn kiện, song cho rằng “vẫn hơi dè dặt”. ĐB Trần Du Lịch đề nghị cụ thể hóa khái niệm “kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập”. Đặc biệt quan tâm đến quy định về cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu nhà nước và cho rằng đây là một quan điểm rất mới, “nếu được triển khai thực hiện sẽ tạo ra những chuyển biến quan trọng”. Nhất trí cao với quan điểm của Ban soạn thảo lần đầu tiên định vị khu vực kinh tế tư nhân như động lực quan trọng của nền kinh tế; song ĐB Trần Du Lịch cho rằng, đổi mới thể chế kinh tế chỉ phát huy hiệu quả thực sự khi đổi mới đồng bộ thể chế hành chính công và tài chính công, tạo thành “chiếc kiềng 3 chân vững chắc”. Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch tỏ ra băn khoăn vì “nếu đổi mới theo văn kiện này thì có một số văn bản luật vừa ban hành chưa ráo mực sẽ phải sửa đổi, bổ sung. Mà không sửa thì làm thế nào thực hiện được văn kiện?”.

Ghi nhận dự thảo văn kiện đã có nhiều điểm mới “khích lệ được doanh nghiệp, doanh nhân”, song ĐB Trần Hoàng Ngân lưu ý, có nhiều chỉ tiêu trong dự thảo chưa khớp với báo cáo của Chính phủ, cần đồng bộ hóa. Dự thảo cũng nên dành dung lượng nói về nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và của từng lĩnh vực, doanh nghiệp.

Lựa chọn đúng và trúng những khâu mũi nhọn thay vì đầu tư dàn trải là quan điểm của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Lắk. Ông Cao Đức Phát nêu vấn đề: “Ta không thể chế tạo ô tô tốt bằng nước Mỹ, nhưng về sản xuất cà phê thì nước Mỹ không thể cạnh tranh được với Việt Nam. Khi mở cửa với TPP, mọi người lo ngại cho nông nghiệp là đúng, nhưng các nước trong TPP không nước nào có thể sản xuất lúa gạo bằng Việt Nam. Vấn đề là tập trung đầu tư mua sắm thiết bị, áp dụng công nghệ mới, giờ đây ta hoàn toàn có thể nhập khẩu các thứ đó khá dễ dàng, để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, chế biến sâu chứ không chỉ xuất khẩu thô”. Cũng trong lĩnh vực nông nghiệp, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) thống nhất cao với tinh thần đề cao liên kết 4 nhà, với nhà nước là nhạc trưởng - như đã đề cập trong dự thảo văn kiện, song đề xuất đưa vào dự thảo nội dung “hướng đến những thị trường khó tính để từng bước nâng cao giá trị hàng hóa nông sản”. Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhà nước cần giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản, các nhà khoa học tìm tòi, ứng dụng tốt khoa học công nghệ, cải tiến sản xuất, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng khó tính…

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác xây dựng Đảng

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đồng ý với định hướng vận hành cơ chế kinh tế thị trường đầy đủ định hướng XHCN, nhưng yêu cầu cụ thể hóa định hướng này phù hợp với đặc điểm kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam. “Liên tục mấy chục năm qua, vai trò lãnh đạo của Đảng được nhân dân tôn trọng, đó là đặc điểm phải hết sức lưu ý”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm nhắc nhở. Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, có hành lang pháp lý là điều kiện cần nhưng chưa đủ. “Thực tiễn là có hành lang pháp lý rồi thì lợi ích nhóm vẫn chi phối ít nhiều, tác động làm méo mó chính sách; làm thiệt hại cho quốc gia. Chưa phải là kinh tế thị trường đầy đủ mà môi trường đã bị phá hoại không biết bao nhiêu mà kể; giờ là “thị trường đầy đủ” thì ngăn chặn tình trạng này như thế nào? Phải có giải pháp để củng cố ý chí chính trị và cái tâm của người quản lý”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định.

Trong nội dung về công tác xây dựng Đảng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị cân nhắc liều lượng đánh giá tình hình, nhất là phần hạn chế, khuyết điểm. “Tôi đọc thì thấy phần nói về công tác nhân sự, nạn chạy chức chạy quyền chưa được ngăn chặn đẩy lùi… rất mâu thuẫn với đoạn trước”, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm thẳng thắn chỉ rõ. ĐB Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, có cùng quan điểm này. Ông nói: “Trong xây dựng Đảng phải lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá quyết định. Sức mạnh của Đảng không chỉ là đường lối mà ở những con người cụ thể, đảng viên cụ thể ở từng vị trí”. Theo ĐB Lê Minh Thông, trong công tác nhân sự, hiện dư luận vẫn xôn xao về không ít trường hợp, dù đúng quy trình bổ nhiệm. “Như vậy phải xem lại quy trình làm công tác cán bộ, tạo ra sự cạnh tranh trong bầu cử để thực sự lựa chọn được những người có đức có tài lãnh đạo Đảng ở các cấp. Trẻ hóa lãnh đạo các cấp là một luồng gió mới rất tốt, nhưng phải làm sao các đồng chí trẻ nhận được sự ủng hộ, được tâm phục khẩu phục bởi đồng chí của mình, cũng như toàn xã hội”.

Góp ý kiến về nhân tố con người, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng cho rằng, dự thảo vẫn thiếu các giải pháp để nâng tầm cho con người hành chính - vốn đang là một yếu tố tạo ra lực cản rất lớn, đặc biệt là trong cung cấp dịch vụ công. “Hiện chúng ta vẫn định biên theo kiểu cào bằng; phải thay đổi, có cơ chế khuyến khích đối với những cơ quan, bộ phận làm tốt, doanh nghiệp phát triển tốt, người dân hài lòng”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục