Hoàn thuế VAT cho du khách, hàng Việt vẫn “lép vế”

Doanh nghiệp hững hờ
Hoàn thuế VAT cho du khách, hàng Việt vẫn “lép vế”

Qua gần 1 năm triển khai thí điểm hoàn thuế cho du khách nước ngoài, chương trình đã thu hút được sự tham gia của 47 doanh nghiệp (DN) với 190 cửa hàng tại Hà Nội, TPHCM, Bình Dương. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng DN đăng ký tham gia bán hàng, xuất được hóa đơn, giá trị hoàn thuế vẫn còn rất ít.

Du khách Nhật Bản mua hàng tại Thương xá Tax. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Du khách Nhật Bản mua hàng tại Thương xá Tax. Ảnh: Phạm Kim Ngân

Doanh nghiệp hững hờ

Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho du khách nước ngoài nhằm thúc đẩy khách nước ngoài tăng chi tiêu, mua sắm tại Việt Nam, góp phần phát triển du lịch và xuất khẩu hàng hóa. Điều kiện được hoàn thuế khi khách đáp ứng yêu cầu 30 ngày từ ngày mua đến ngày xuất cảnh; phải mua tại cửa hàng có trong danh sách thí điểm, với giá trị hóa đơn từ 2 triệu đồng trở lên. Khi làm thủ tục hoàn thuế, khách chỉ nhận được 85% giá trị (trong 5%, 10% thuế VAT được hoàn trả), 15% còn lại dành cho các ngân hàng tham gia chi trả hoàn thuế vì các ngân hàng phải ứng tiền trước để trả du khách, lo phí dịch vụ, lãi suất, thuê gian hàng tại sân bay. Chương trình này đã thực hiện thí điểm trong thời gian 1 năm, từ ngày 1-7-2012 đến 30-6-2013, tại 2 cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM); sau đó sẽ được triển khai áp dụng trên toàn quốc.

Hiện nay có 47 DN, với 190 cửa hàng ở 3 địa phương Hà Nội, TPHCM, Bình Dương đăng ký tham gia chương trình. Trong đó, nhiều nhất là TPHCM, với 32 DN và 140 cửa hàng; Hà Nội 14 DN, 49 cửa hàng, Bình Dương 1 DN với 1 cửa hàng. Theo Tổng cục Hải quan, thời gian đầu, công tác triển khai còn nhiều lúng túng. 3 tháng đầu, số lượng khách được hoàn thuế rất ít nhưng đã được cải thiện, tăng dần trong thời gian gần đây. Tính từ tháng 7-2012 đến tháng 12-2012 đã có hơn 1.540 lượt khách nước ngoài được hoàn thuế với tổng giá trị hàng hóa được hoàn thuế hơn 56 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế VAT đã hoàn được trên 4,3 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2013, số lượng du khách được hoàn thuế đã tăng lên, tổng lượng khách được hoàn thuế trong 3 tháng trên 1.280 khách, với tổng giá trị hàng hóa được hoàn thuế trên 49 tỷ đồng, số tiền thuế VAT đã hoàn gần 3,8 tỷ đồng. Riêng TPHCM đã có 1.158 lượt khách, với giá trị hàng hóa trên 43,5 tỷ đồng, số tiền thuế VAT đã hoàn 3,36 tỷ đồng.

Có 47 DN, với 190 cửa hàng ở 3 địa phương tham gia nhưng thực tế số lượng DN bán được hàng, xuất được hóa đơn hoàn thuế rất ít. Tại Hà Nội, có 14 DN đăng ký tham gia nhưng chỉ có 2 DN thường xuyên xuất được hóa đơn bán hàng, các DN còn lại đã in, phát hành hóa đơn nhưng không xuất được hóa đơn nào do không có khách nước ngoài mua hàng. Bình Dương cũng có DN tiên phong tham gia nhưng vẫn chưa xuất được hóa đơn hoàn thuế nào. Tại TPHCM, việc hoàn thuế cũng thực hiện chủ yếu ở một số ít DN có kênh phân phối tại các hệ thống trung tâm thương mại lớn, hầu hết là sản phẩm hàng hóa cao cấp được nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện TPHCM dẫn đầu về việc bán hàng và hoàn thuế cho du khách, số lượng và doanh số các giao dịch hoàn thuế chiếm tỷ lệ hơn 90%. Giá trị hoàn thuế còn thấp và mức chênh lệch khá cao giữa Hà Nội và TPHCM đã làm các ngân hàng thương mại tham gia nản lòng vì doanh thu từ phí quá thấp, không đủ bù đắp chi phí hoạt động, thuê mặt bằng tại các sân bay.

Hàng xuất khẩu là chủ yếu

Chương trình hoàn thuế đã kích thích du khách quốc tế mua sắm, chi tiêu tại Việt Nam, tuy nhiên, mục tiêu xuất khẩu hàng hóa vẫn chưa được như mong muốn. Vì tính đến nay, chiếm phần lớn lượng hàng hóa đã bán, được hoàn thuế là sản phẩm hàng thời trang, quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, nữ trang… cao cấp được nhập khẩu từ nước ngoài, tái xuất trở lại. Trong khi đó, các sản phẩm, hàng hóa nội địa chưa được tiêu thụ nhiều. Ông Nguyễn Đức Chí, Phó phòng Lữ hành Sở VH-TT-DL TPHCM chia sẻ, có một nghịch lý đang diễn ra, DN đã tham gia thì không bán được hàng, còn ngược lại DN bán được nhiều hàng lại không tham gia. Tại TPHCM hiện nay có nhiều điểm bán hàng nổi tiếng, không thể thiếu trong hành trình dành cho du khách quốc tế đến TPHCM, sản phẩm hàng hóa như sơn mài, thủ công mỹ nghệ, áo dài... cũng được du khách ưa chuộng mua khá nhiều nhưng những đơn vị này không có mặt trong nhóm DN tham gia chương trình. Du khách mua hàng ở đây có phần thiệt thòi vì không được hoàn thuế. Việc kêu gọi, khuyến khích những đơn vị này tham gia vào chương trình là điều cần thiết.

Để chương trình có sức lan tỏa, hiệu quả hơn khi khiển khai đại trà trong thời gian tới, bên cạnh việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn các biện pháp tuyên truyền để DN hiểu rõ lợi ích lâu dài của việc tham gia bán hàng hoàn thuế, các đơn vị thực hiện cho biết sẽ cải thiện các chính sách để đảm bảo quyền lợi người được hoàn thuế; hạn chế các trường hợp người nước ngoài không được hoàn thuế do các nguyên nhân khách quan phát sinh từ phía DN bán hàng.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục