Hoàng Hiệp nhớ về Hà Nội

Hoàng Hiệp nhớ về Hà Nội

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp, người con của miền đất Mỹ Hiệp, Chợ Mới, An Giang, tác giả của nhiều ca khúc để đời, là một trong số ít nhạc sĩ Việt Nam được giải thưởng Hồ Chí Minh. Hoàng Hiệp là bút danh thường dùng của ông Lưu Trần Nghiệp.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Sau Cách mạng Tháng Tám, rồi Nam bộ kháng chiến, từ thời thiếu niên, Hoàng Hiệp đã thích hát, từng tham gia biểu diễn trong Đoàn Tuyên truyền xung phong ở địa phương. Thần tượng âm nhạc của Hoàng Hiệp lúc đó là Văn Cao và Lưu Hữu Phước. Trong kháng chiến chống Pháp, khoảng năm 1948, lúc 17 - 18 tuổi, trên đường đi công tác xa, Hoàng Hiệp được tin dữ là em gái vừa qua đời. Trước nỗi đau này, ông chỉ còn biết mượn tiếng đàn để thổ lộ niềm tiếc thương của mình. Thế là giai điệu và ca từ của một sáng tác đầu tay của Hoàng Hiệp ra đời.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hoàng Hiệp sáng tác âm nhạc song song với việc tham gia công tác cách mạng. Nhưng chỉ đến khi tập kết ra Bắc, ông mới có điều kiện phát triển năng khiếu. Trong hồi ký của mình, Hoàng Hiệp đã ghi lại: “…Chính cách mạng đã thúc đẩy tôi ngày càng đi sâu vào con đường âm nhạc. Sau ngày tập kết ra Bắc, cách mạng còn giúp tôi được học hành, phát triển năng khiếu và nhờ đó mà tôi theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc cho đến ngày nay…”.

Cuối năm 1956, Hoàng Hiệp có dịp đi từ Hà Nội vào Vĩnh Linh. Miền Trung đang vào mùa mưa. Ông đội mưa đi dọc bờ Bắc sông Bến Hải, bước lên cầu Hiền Lương chỉ đến được nửa cầu, mắt đăm đăm nhìn sang bờ Nam, nhưng tìm đâu ra bóng hình, những gương mặt người thân. Những ngày ở giới tuyến, tiếp xúc với các chiến sĩ biên phòng, ngư dân, người gác đèn biển Cửa Tùng... tạo cho Hoàng Hiẹâp cảm xúc viết nên ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương (1957) đậm đà âm hưởng dân ca Nam bộ, một sáng tác đã đưa tên tuổi ông bừng sáng.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoàng Hiệp còn là tác giả của nhiều ca khúc phổ thơ nổi tiếng như: Cô gái vót chông (thơ Môlôychoi), Đất quê ta mênh mông (thơ Dương Hương Ly), Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật)… trong đó đáng chú ý có bài Ngọn đèn đứng gác (thơ Chính Hữu). Vào giữa năm 1965, Hoàng Hiệp cùng một số văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác ở vùng Liên khu 4 (Thanh, Nghệ, Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh), nơi ngày đêm máy bay địch đánh phá ác liệt. Ông đã gặp những ngọn đèn lắp kính có 2 màu được đặt trên tuyến đường để báo động phòng không. Màu đỏ là báo động, màu xanh báo yên. Và bài Ngọn đèn đứng gác ra đời trong hoàn cảnh đó (1966).

Sau ngày thống nhất đất nước, Hoàng Hiệp chuyển công tác vào TPHCM và tiếp tục cho ra đời nhiều ca khúc nổi tiếng khác như Lá đỏ (thơ Nguyễn Đình Thi), Viếng lăng Bác (thơ Viễn Phương), Con đường có lá me bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Chút thơ tình của người lính biển (thơ Trần Đăng Khoa), Đồng đội, Nhớ về Hà Nội, Trở về dòng sông tuổi thơ, Thành phố tôi yêu…

Trong những ca khúc về Bác, bài Viếng lăng Bác là một dấu ấn đáng nhớ. Tháng 4 năm 1976, nhạc sĩ Hoàng Hiệp và nhà thơ Viễn Phương cùng tham gia đoàn văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh vào lăng viếng Bác trong dịp ra thăm Hà Nội. Sau đó, Viễn Phương sáng tác bài thơ Viếng lăng Bác. Hoàng Hiệp nhận thấy cảm xúc của nhà thơ cũng chính là cảm xúc của mình khi cùng vào viếng nơi Bác đang yên nghỉ và thế là ông phổ nhạc bài thơ thành ca khúc.

Bài Trở về dòng sông tuổi thơ cũng là một trong những ca khúc của Hoàng Hiệp được nhiều người yêu thích. Quê hương ông là một cù lao nằm giữa sông Tiền. Thời thơ ấu của ông đầy ắp những kỷ niệm vui buồn luôn gắn bó với con sông quê hương. Sau năm 1945, suốt 30 năm trời tham gia kháng chiến trên khắp nẻo đường đất nước, ông luôn nhớ đến con sông quê hương. Khi trở về làng cũ, ông bồi hồi xúc động gặp lại dòng sông thân thương của tuổi thơ, ngẫm lại khi ra đi, còn là một cậu bé, giờ đây tóc đã ngả màu, nhưng dòng sông vẫn trẻ trung như thuở nào, mãi mãi làm đẹp cho làng quê. Thế là ca khúc Trở về dòng sông tuổi thơ ra đời. Đó là vào năm 1984.

Bài Nhớ về Hà Nội của Hoàng Hiệp là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội. Năm 1984, sau gần 10 năm ông rời Hà Nội vào Nam công tác, những kỷ niệm ngày qua từ trong ký ức của ông bỗng trỗi dậy để rồi biến thành cảm hứng tạo nên hình tượng âm nhạc và lời ca trong bài hát Nhớ về Hà Nội. Thời điểm này rơi đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng thủ đô. Hoàng Hiệp từng sống ở Hà Nội suốt 20 năm tròn. Đối với ông đó là một quãng đời đầy ắp những kỷ niệm vui buồn khó quên gắn liền với những con người, cảnh vật thân thương giữa lòng thủ đô yêu dấu của “một thời đạn bom, một thời hòa bình”. Bài hát đem niềm tin yêu đến với quần chúng yêu nhạc và nhất là những ai “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

Một số thành viên trong các đoàn nghệ thuật Việt Nam đi biểu diễn ở nước ngoài về kể lại: Nhiều bà con Việt kiều từng sống ở Hà Nội, trong đó có cả một số sĩ quan chế độ cũ, đã xúc động bật khóc khi nghe hát bài này. Là tác giả của một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội, năm 1994 nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã được Ban tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng thủ đô mời ra Hà Nội dự các hoạt động văn hóa trong dịp này. Và ông lại trở về trong vòng tay yêu thương của thủ đô như những năm tháng ngày xưa, với Tháp Rùa soi bóng bên Hồ Gươm xanh thắm, với thành cũ Thăng Long “dấu xưa oai hùng”…

Nhạc sĩ Trương Quang Lục

Vĩnh biệt nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, nhạc sĩ Hoàng Hiệp (sinh ngày 1-10-1931 ở xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang; tên thật Lưu Trần Nghiệp, bút danh Lưu Nguyễn) đã qua đời lúc 12 giờ 45 ngày 9-1-2013 tại nhà riêng, hưởng thọ 82 tuổi. Linh cữu nhạc sĩ Hoàng Hiệp được quàn tại Nhà tang lễ TPHCM, 25 Lê Quý Đôn, quận 3. Lễ viếng bắt đầu từ 19 giờ ngày 9-1. Lễ động quan vào lúc 7 giờ ngày 11-1 sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang thành phố.

Trước khi qua đời, chiều 7-1 nhạc sĩ Hoàng Hiệp được nhận Huy hiệu 65 tuổi Đảng do Thành ủy TPHCM trao tặng khi đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

L.T.B.

Tin cùng chuyên mục