Thời điểm gieo sạ vụ đông xuân 2011-2012 đã kết khúc nhưng đồng ruộng ở thôn Phú Hữu, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, Bình Định) vẫn bị bỏ hoang. Theo nông dân địa phương, đồng ruộng ở khu vực này đã bị ô nhiễm bởi nước thải từ bãi khai thác vàng, không có cây trồng hay vật nuôi nào có thể sống nổi.
Người dân thôn Phú Hữu cho rằng, ruộng đồng tại địa phương đều bị ô nhiễm bởi nguồn nước thải từ bãi khai thác vàng của Công ty TNHH Thương mại Đức Nghĩa (Công ty Đức Nghĩa). Nguồn nước thải này chứa đầy hóa chất độc hại nên không chỉ ảnh hưởng đến cây lúa mà sức khỏe của những nông dân lao động trên đồng ruộng cũng rất khó lường.
Bà Nguyễn Thị Lan (58 tuổi, ở xóm 4, thôn Phú Hữu) cho biết: “Công ty Đức Nghĩa mới hoạt động được mấy ngày thì trời đổ mưa, nước từ bãi vàng cuốn đất đá vừa mới được đào lên và cả những hóa chất độc hại chảy xuống khu dân cư xóm 4, đổ ra ruộng rồi tuôn ra sông Kim Sơn. Từ đó đến nay, tôi không dám thả gà, vịt ra khỏi chuồng vì sợ chúng uống phải nước độc. Không biết nước thải từ bãi vàng chứa chất gì mà có mùi rất khủng khiếp, chắc chắn đó là một loại hóa chất rất độc hại”.
Hiện ở Hoài Ân có hơn 30 trạm bơm điện lấy nước từ sông Kim Sơn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu dòng sông này đã bị nhiễm hóa chất độc hại thì không những cây trồng, vật nuôi mà nguồn nước ngầm cũng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Thành Long, Xóm trưởng xóm 4 thôn Phú Hữu, cho biết: “Hầu hết người dân ở thôn Phú Hữu đều sống chủ yếu dựa vào trồng lúa và chăn nuôi nên việc bỏ ruộng là vạn bất đắc dĩ. Cuối năm 2010, trước khi Công ty Đức Nghĩa lên thăm dò, chính quyền địa phương đã tổ chức họp dân để trấn an về vấn đề môi trường. Sau đó, nhiều người dân đã lên tận mỏ vàng và nhìn thấy 3 bể chứa nước thải chỉ được lót tạm bợ bằng những bao tải đã rách bươm, chất thải có nguy cơ sẽ thấm lậu ra môi trường nên họ lo lắng là có cơ sở”.
Để ngăn chặn tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang, UBND huyện Hoài Ân đã tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn không đồng tình. Thậm chí, lãnh đạo địa phương đã có chính sách hỗ trợ chi phí làm đất nhưng vẫn không có nông dân nào đồng ý. Ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, cho biết: “Vụ đông xuân này người dân thôn Phú Hữu bỏ hoang đến 18 ha ruộng 2 vụ/năm.
Chiều 23-12, các ban ngành của huyện Hoài Ân về tận địa phương tổ chức động viên nông dân xuống ruộng họ vẫn lắc đầu. Diện tích ruộng được chia đã ít, đất miền núi cho năng suất không cao nên nếu làm đủ mỗi năm 2 vụ cũng phải chật vật lắm mới đủ lúa giáp hạt. Bây giờ lại bỏ ruộng hoang thì nguy cơ thiếu ăn là rất lớn. Nếu tình trạng bỏ ruộng lan rộng, hậu quả rất khó lường”.
Ông Tạ Công Định, Thường trực HĐND huyện Hoài Ân, cho biết: “Bãi vàng Phú Hữu 1 do Công ty Đức Nghĩa đang khai thác là bãi vàng lộ thiên nên tốc độ khai thác sẽ rất nhanh. Khai thác nhanh ắt sẽ sử dụng nhiều hóa chất và thải nhanh. Điểm khai thác vàng nằm trên địa hình có độ dốc cao, cứ có mưa là nguồn nước ô nhiễm sẽ theo sông Kim Sơn đổ hết về phía hạ lưu. Nguy hại là toàn huyện có 14 xã và 1 thị trấn thì chỉ có 4 xã sử dụng nguồn nước sông An Lão, còn lại đều phụ thuộc vào sông Kim Sơn”. |
HOÀNG TRỌNG – HẢI TRIỀU