Hoàng Việt - Nhạc sĩ, chiến sĩ, anh hùng

Hoàng Việt - Nhạc sĩ, chiến sĩ, anh hùng

Hoàng Việt Trong cuốn “Nhạc sĩ Việt Nam” xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội (1957 - 2007), nhạc sĩ Hoàng Việt được đặt ở trang đầu phần “Các Nhạc sĩ – Liệt sĩ”. Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh tuy ngắn (1928 - 1967) nhưng đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam nhiều tác phẩm giá trị.

Hoàng Việt - Nhạc sĩ, chiến sĩ, anh hùng ảnh 1

Trên một tấm hình của mình từ Nhạc viện Quốc gia Sofia, Bulgarie, gởi về bạn bè ở Hà Nội năm 1960, Hoàng Việt đã ghi: “Cho đến chết mới hết sáng tác cho đời”. Những sáng tác cho đời của anh là những giai điệu trong sáng, lạc quan, sôi nổi, trữ tình và sâu lắng như Nhạc rừng, Lá xanh, Lên ngàn đến Tình ca, Quê mẹ… đã đi vào lòng người và vang vọng đến tận hôm nay.

Được tiếp xúc với khoa học âm nhạc phương Tây, kết hợp với lòng yêu nước, Hoàng Việt đã viết bản giao hưởng đầu tiên của mình mang tựa đề “Quê hương” (4 chương) với lời đề tặng: “Kính dâng Nam bộ trong cuộc chiến đấu anh dũng chống ngoại xâm”. Có thể nói, anh là người đặt nền móng cho tình ca cách mạng và cũng là người đặt nền móng cho nhạc giao hưởng Việt Nam.

Hoàng Việt với tên khai sinh là Lê Chí Trực, còn có bút danh Lê Trực (trước năm 1945) và Lê Quỳnh (từ năm 1966 khi trở về chiến trường Nam bộ). Anh sinh ngày 29-2-1928, nguyên quán ở thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Hoàng Việt tham gia quân đội ở chiến trường miền Đông Nam bộ. Anh đã anh dũng hy sinh ngày 31-12-1967 trong một trận oanh tạc ở chiến trường miền Tây Nam bộ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), chưa hoàn thành kịp bản giao hưởng “Cửu Long” của mình.

Dưới góc độ nghề nghiệp của nhạc giao hưởng, loại âm nhạc mà các nhà lý luận cho đó là “một trong những biểu hiện rực rỡ nhất của sự trưởng thành về tinh thần của loài người”, có thể nói Hoàng Việt đã thành công. Anh đã vượt qua chặng đầu của sự thử thách trong tư duy sáng tác. Bản giao hưởng số 1 “Quê hương” của Hoàng Việt cũng chính là một trong những bản giao hưởng đầu tiên của chúng ta, một tác phẩm mang tính sử thi với quy mô đồ sộ, đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng của các nhà soạn nhạc Việt Nam.

Trong bản giao hưởng đầu tiên này, Hoàng Việt đã đặt ra cho mình một nhiệm vụ, cũng có thể nói là một vấn đề thuộc tính bút pháp rất quan trọng. Đó là làm thế nào để tác phẩm với loại ngôn ngữ mang “tính nhân loại” này có thể cảm nhận được và gần gũi với người nghe Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên tiếp cận với nhạc giao hưởng, đồng thời không được làm giảm đi “tính giao hưởng” cũng như bản sắc dân tộc, nhất là tính “thống nhất” giữa các mặt “đối lập” trong tác phẩm.

Nếu trong những năm kháng chiến chống Pháp, cuộc sống “gian lao mà anh dũng” là cội nguồn tốt làm nẩy sinh những bài hát của Hoàng Việt, thì trong bản giao hưởng “Quê hương” của mình, anh đã vận dụng khéo léo những âm điệu quen thuộc trên cơ sở chọn lọc những tinh hoa có sức sống nhất trong kho tàng những ca khúc cách mạng của chúng ta. Bằng cách đó, chủ đề tư tưởng của tác phẩm được đặt ra một cách sâu sắc và lớn lao, đồng thời tác giả đã tận dụng các phương tiện kỹ thuật sáng tác để biểu hiện nó trong sự phát triển rộng rãi, căng thẳng, đôi khi tạo nên những xung đột, mâu thuẫn chứa đựng nhiều kịch tính. Những hình tượng, những âm điệu hào hùng và trữ tình, những nhịp điệu sôi nổi và duyên dáng của những bài hát quen thuộc, những nét dân ca phổ biến đã đưa người nghe trở lại quá khứ với những kỷ niệm, những tình cảm không bao giờ quên được của một thời kỳ lịch sử oanh liệt đáng tự hào của dân tộc.

Trong chương kết thúc của bản giao hưởng (chương IV) có thêm phần hợp xướng. Âm nhạc thể hiện niềm vui khi đất nước được độc lập và tự do. Với tính chất vui tươi, huy hoàng, rộn rã và cũng có lúc như lắng dịu xuống chứa đựng bao nỗi suy tư để rồi lại tiếp tục tưng bừng náo nhiệt, tác giả đã đưa chúng ta vào khung cảnh của ngày hội dân tộc, trong đó vang lên những tiếng hát yêu đời, ca ngợi cuộc sống tự do, thanh bình trên mảnh đất quê hương.

Anh Bảy Hoàng Việt ơi! Anh ra đi sớm quá để không được chứng kiến tận mắt ngày hội của dân tộc, khi đất nước sạch bóng quân thù như anh đã dự báo trong chương kết thúc của bản giao hưởng “Quê hương” mà anh đã “sáng tác cho đời!”.

Nhạc sĩ Hoàng Việt đã hy sinh, người chiến sĩ âm nhạc đã ngã xuống xứng đáng được tôn vinh là
anh hùng. Anh đã hiến dâng cả cuộc đời và tài năng của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, anh đã gởi cả tâm hồn và trái tim của mình cho Tổ quốc yêu thương.

Những bài hát, những bản tình ca, giao hưởng và nhạc kịch của Hoàng Việt vẫn sống mãi với đất nước, với thời gian. Đó là những giá trị tinh thần quý báu, là những đóng góp lớn lao vào nền âm nhạc Việt Nam dân tộc, hiện đại, xứng đáng được tôn vinh là anh hùng!


Nhạc sĩ CA LÊ THUẦN
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM

Tin cùng chuyên mục