- Phóng viên: Đến nay, việc xây dựng DXCenter tại TPHCM vẫn chưa có tiến triển, ông vui lòng cho biết hướng ra của việc này?
Ông PHAN PHƯƠNG TÙNG: Thành lập từ tháng 10-2021, nhưng đến nay DXCenter vẫn chưa được thành phố bố trí mặt bằng để xây dựng trung tâm điều hành, gây không ít khó khăn trong các hoạt động. Trong khi đó, hơn 60% hoạt động của DXCenter gắn với địa điểm hoạt động, không gian làm việc như: không gian giới thiệu sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số; không gian làm việc chung dành cho các chuyên gia độc lập, những người làm việc từ xa, hoặc các nhóm khởi nghiệp đến làm việc hàng ngày; không gian ươm tạo các hoạt động, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo liên quan các giải pháp phục vụ quá trình chuyển đổi số…
Vì không được bố trí mặt bằng nên chúng tôi phải nhờ hỗ trợ từ Sở KH-CN TPHCM. Hiện DXCenter đang tích cực phối hợp với sở để tìm kiếm và đề xuất mặt bằng hoạt động trong Tòa nhà Đổi mới sáng tạo của thành phố (đang được xây dựng tại số 123 Trương Định, quận 3).
- Sự phối hợp giữa DXCenter với các sở, ngành thành phố chưa nhiều, chưa làm bật việc chuyển đổi số trên các lĩnh vực. Ông có đồng ý với nhận định này?
Cũng có thể nói là như vậy, song về cơ bản, các hoạt động của DXCenter đều bám sát các hoạt động, chủ trương, chính sách của thành phố, đặc biệt thông qua các hoạt động từ Sở KH-CN cũng như Sở TT-TT.
Có thể chưa có nhiều kết quả rõ nét trong chuyển đổi số nên các hoạt động thường rời rạc và riêng biệt. Hoạt động chính mà các sở hướng đến tập trung ở mảng dịch vụ công và chính quyền số. Trong khi đó, với nguồn lực có hạn, DXCenter chỉ mới hướng đến hỗ trợ nhóm đối tượng doanh nghiệp trong hoạt động chuyển đổi số.
Tuy nhiên, bên cạnh những hạn chế, DXCenter đã triển khai việc tư vấn chương trình giáo dục AI vào giáo dục phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12, theo hợp tác giữa Sở GD- ĐT với Trường Đại học Sài Gòn và Sở KH-CN; phối hợp Sở NN-PTNT xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ Sở LĐTB-XH xây dựng đề án chuyển đổi số cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM…
- Được biết, DXCenter có những hợp tác với các tỉnh, thành khác. Liệu đây có phải là bước chuyển hướng hay mở rộng thị trường?
DXCenter đang thúc đẩy triển khai hoạt động hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số tại TPHCM và đang mở rộng hoạt động ra các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Đây là thị trường mục tiêu mà DXCenter tập trung đẩy mạnh hoạt động nhằm kết nối mở rộng thị trường trong chiến lược 5 năm tới.
Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực, nên trước mắt DXCenter ưu tiên đẩy mạnh các công tác nhóm hoạt động hỗ trợ, qua đó tìm kiếm những doanh nghiệp có nhu cầu tư vấn chuyển đổi số để mở rộng thị trường. Mặt khác, DXCenter đẩy nhanh tiến độ thành lập thêm từ 7 đến 10 ban tư vấn chuyển đổi số, để đáp ứng nhu cầu rất lớn của thị trường.
- Trong chức năng nhiệm vụ của DXCenter, hoạt động chuyển đổi số hướng đến người dân và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng, được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm. Vậy nhưng hoạt động hỗ trợ nhóm đối tượng này vẫn sơ sài?
Từ khi mới thành lập, DXCenter vẫn đang tập trung hoàn thiện bộ máy hoạt động, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, thúc đẩy hoạt động các ban tư vấn chuyển đổi số hiện có; đồng thời phát triển thêm nhiều nhóm khác để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình kết nối, nhiều buổi hội thảo, đào tạo nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong từng lĩnh vực cụ thể ở nhóm đối tượng này. DXCenter sẽ tập trung theo hướng “may đo”, đáp ứng giải pháp theo từng nhu cầu và đào tạo gắn liền với thực tế ứng dụng giải pháp chuyển đổi số.
Hiện ba nhóm chuyên gia tư vấn chuyển đổi số trong mảng GD-ĐT, Doanh nghiệp và Nông nghiệp - Chế biến thực phẩm là những nhóm hoạt động nổi bật của DXCenter. Đặc biệt, DXCenter đã xây dựng được khung chuyển đổi số cho từng lĩnh vực cụ thể, với quy trình theo các bước: Đầu tiên là xây dựng khung chuyển đổi số chung cho doanh nghiệp nói chung, gồm có tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp lớn, các tổng công ty nhà nước. Thứ hai là tư vấn lựa chọn giải pháp cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Thứ ba là giám sát triển khai. Và cuối cùng là đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp. |