Hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo: Nông dân dễ gặp rủi ro nhất

Ngày 4-12, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Tam nông, suy nghĩ và hành động”. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ “Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ”.

* Gói kích cầu 400.000 tỷ đồng: 0,2% đến với nông dân

(SGGP). – Ngày 4-12, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Tam nông, suy nghĩ và hành động”. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ “Hội chợ nông nghiệp quốc tế Việt Nam tại Cần Thơ”.

Năm 2009, Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, nông dân ngoài việc sản xuất lúa còn đóng góp những vấn đề “sống còn” của nhiều nước. Thế nhưng, việc đầu tư lại cho sản xuất lúa nói riêng và nông nghiệp nói chung lại ít nhất so với các ngành khác. Ước tính, “gói kích cầu 1” chỉ tới nông dân có 0,2% trong số 400.000 tỷ đồng.

Theo Bộ NN-PTNT, chỉ có 25% nông dân tiếp cận được thông tin thị trường, 90% nông sản xuất khẩu ở dạng thô… và rất ít người hình dung được khi nước biển dâng cao 1m, họ sẽ sống ra sao?

“Trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo với 4 thành phần tham gia: nông dân, thương lái, xay chà đánh bóng và người xuất khẩu, nông dân là người dễ gặp rủi ro nhất, cực nhọc nhất” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định. Do đó, các đại biểu cho rằng, phải có hành động cụ thể để nông dân chỉ lo sản xuất lúa theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp, có được bảo hiểm.

Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân hợp tác hoạt động sản xuất với các hình thức thích hợp, để họ tham gia vào khâu quản lý kho dự trữ, thu gom, xay chà và cả xuất khẩu như một số nước đã làm như: Australia, Nhật Bản, Malaysia, Italia…  

L. CHINH

Tin cùng chuyên mục