Học bổng Nguyễn Văn Hưởng - Những sinh viên y dược nỗ lực học tốt

Biết tin mình có tên trong danh sách được đề cử nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng trong đợt trao học bổng dành cho sinh viên ngành y – dược vượt khó học giỏi lần thứ 12 năm 2010 sắp tới, các bạn Đoàn Nguyễn Kiều Trang, Phan Thanh Hưởng và Đặng Thị Ngọc Thương, sinh viên năm thứ nhất lớp D09 (thuộc ngành Dược Trường ĐH Y - Dược TPHCM) đều rất vui.

Dù rất bận rộn với lịch thi học kỳ 2 dày đặc các môn của năm đầu tiên, nhưng các bạn cũng đã cố gắng sắp xếp một cuộc gặp mặt thân mật với chúng tôi. Nhìn bề ngoài hơi có vẻ rụt rè, ít ai biết Đặng Thị Ngọc Thương có một thành tích học tập và nghị lực vượt khó đáng nể. Những năm còn học ở Phú Yên, cha Thương đổ bệnh nặng, phải thường xuyên nhập viện điều trị với những khoản chi phí khá cao, ngoài khả năng của gia đình.

Cả nhà Thương rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tất cả các khoản chi tiêu chỉ còn biết trông chờ vào việc buôn bán lặt vặt của mẹ. Cuộc sống chật vật, eo hẹp, tuy vậy sức học của Thương không hề giảm sút. Suốt 12 năm liền em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhiều lần có mặt tại các kỳ thi học sinh giỏi. Năm học 2008-2009, Thương đoạt giải nhì học sinh giỏi hóa cấp tỉnh. “Em chọn thi vào ngành y dược để sau này chữa bệnh cho cha và bà con ở quê mình” - Thương bộc bạch.

Cũng như Ngọc Thương, cô sinh viên Đoàn Nguyễn Kiều Trang, học sinh xuất sắc nhiều năm liền của Trường THPT chuyên thị xã Bạc Liêu, cũng là một cây vượt khó. Gia đình Trang thuộc diện hộ nghèo, cha làm nông, mẹ buôn bán nước mắm ở chợ, thu nhập chỉ vừa đủ sống đắp đổi qua ngày. Thương cha mẹ, ngoài việc học tập chăm chỉ, miệt mài, thời gian rảnh rỗi còn lại Trang theo phụ mẹ bán hàng. Và món quà tinh thần ý nghĩa nhất mà Trang dành tặng ba mẹ, chính là việc em thi đậu vào Trường ĐH Y Dược TPHCM với số điểm khá cao (26,75 điểm). Ngay học kỳ đầu của năm học mới, kết quả học tập của Trang đạt loại giỏi. Hỏi về cảm xúc riêng của bản thân khi được nhận học bổng, Trang tâm sự: “Học bổng này là động lực lớn, giúp em vượt lên hơn nữa trong học tập”.

Cũng nằm trong “top” các gương mặt tiêu biểu cho ý chí vượt qua hoàn cảnh, vươn lên giành thành tích cao trong học tập là cậu sinh viên ốm, cao lêu nghêu Phan Thanh Hưởng. Cha mẹ Hưởng suốt ngày quần quật trên thửa ruộng, mảnh vườn để nuôi 6 anh chị em Hưởng ăn học, mà vẫn không đủ. Đến mỗi kỳ đóng tiền học cho con là cha mẹ em phải chạy đôn chạy đáo vay mượn. Không bỏ công cha mẹ chăm lo, Hưởng thi đậu cả 2 ngành xây dựng và y dược. “Em quyết định chọn ngành y dược vì đó là mơ ước từ ngày còn đi học, kỳ này mà biết em được nhận học bổng chắc cha mẹ em vui lắm” - Hưởng vừa cười vừa nói.

Tính đến năm 2010, qua hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã trao tổng cộng hơn 700 suất học bổng cho sinh viên, học sinh và các bác sĩ tình nguyện phục vụ tại các vùng sâu, vùng xa cùng các nữ hộ sinh thôn bản của Trường ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (tiền thân là Trung tâm Đào tạo Cán bộ y tế TPHCM) và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. Tổng giá trị giá học bổng đã trao trên 1,2 tỷ đồng. Tại cuộc họp báo công bố chương trình trao học bổng năm 2009, Báo SGGP và các thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng đã thống nhất việc mở “sổ vàng học bổng”.

Đây là một hình thức mới nhằm tiếp nhận mọi sự đóng góp, tài trợ từ cá nhân, cộng đồng xã hội dành cho quỹ. Mặt khác, hàng năm Báo SGGP vẫn thường xuyên tổ chức các buổi tiếp xúc trực tiếp với các bạn học sinh, sinh viên, bác sĩ vùng sâu, vùng xa; các cô đỡ thôn bản dân tộc ít người để trao đổi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng nhằm kịp thời đề xuất các biện pháp giúp đỡ. Đối với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, báo cũng đã giới thiệu trên chuyên trang Nhịp cầu nhân ái của báo trong suốt những năm vừa qua.

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục