Công sở là để phục vụ nhân dân; còn cán bộ, công chức làm việc tại các công sở là đày tớ của dân, có nhiệm vụ điều hành, giải quyết công việc, chăm lo cho quốc thái dân an, cho mọi người dân đều được hưởng các quyền dân chủ; được tự do mưu cầu hạnh phúc theo khả năng, nguyện vọng của mình và phù hợp với các quy định của pháp luật. Đó là nền tảng của văn hóa nơi công sở. Tuy nhiên, bên cạnh những cán bộ, công chức luôn làm tròn phận sự của người đày tớ nhân dân, vẫn còn không ít những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Những “con sâu” này khi được đứng vào bộ máy chính quyền thì họ liền lên mặt quan cách, lạm dụng quyền lực của nhân dân giao phó để gây khó dễ, buộc người dân phải nhỏ bé trước họ và phải “biết điều”. Nhưng mặt khác, thói quen rụt rè, khúm núm và rất “biết điều” của không ít người dân khi có việc cần đến cửa công cũng góp phần làm cho một bộ phận cán bộ, công chức trở nên quan liêu, vô cảm, không biết xúc động trước những khó khăn, bức xúc của người dân, không biết cười, không biết xin lỗi, không biết ứng xử có văn hóa nhưng lại rất rành việc hạch sách, vòi vĩnh người dân.
Để xây dựng văn hóa nơi công sở một cách căn cơ thì mỗi cán bộ công chức phải học làm đày tớ và thật sự trở thành đày tớ của dân; phải hiểu rằng nhân dân là chủ nhân của đất nước, của chính quyền, để từ đó biết yêu quý, tôn trọng và hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng cần lưu ý rằng, đối với lãnh đạo cấp trên, các “ông quan liêu” luôn cúc cung tận tụy và tỏ ra rất “được việc”, nhưng đối với người dân và nhân viên cấp dưới thì họ lại thường xuyên tạo ra một khoảng cách quan liêu…
PHAN HOÀNG CHÍ HIẾU
(Công ty Tenimex – Thiên Nam)
Giá như thủ trưởng không hút thuốc
Từ tháng 6 năm ngoái, thủ trưởng đơn vị tôi đã yêu cầu cấm hút thuốc lá trong phòng làm việc và tiến tới cấm hút thuốc lá nơi công sở vào tháng 8. Cứ tưởng cánh phụ nữ trong cơ quan từ nay sẽ hết khổ, sẽ không phải gồng mình chịu trận mùi khói thuốc lá. Thế nhưng, tinh thần đó chỉ được “quán triệt” trong vài ba ngày. Ngay cả bản thân sếp cũng không thể từ bỏ thói quen hút thuốc, nói chi đến cánh đàn ông khác. Vậy là số phụ nữ (chỉ chiếm 1/3) phải tiếp tục chịu đựng cảnh “hút thuốc thụ động”.
Mới đây, tôi đi xuống cơ sở. Làm việc trong phòng máy điều hòa, một căn phòng nhỏ với hơn 10 người, thế nhưng người đứng đầu cơ sở thản nhiên hút thuốc liên tục, mặc kệ trong phòng có hai phụ nữ mang thai. Dù tại văn phòng làm việc có dán tranh ảnh tuyên truyền không hút thuốc, nhưng có lẽ chỉ để dọa những người không hút thuốc thêm lo sợ!
Phải chịu đựng khói thuốc từ cơ quan và tại nơi làm việc khác, tôi ước giá như tất cả các cơ quan, đơn vị đều nghiêm túc xây dựng “văn hóa công sở” thì hẳn hình ảnh công sở sẽ thay đổi hẳn.