Học luật giao thông qua thực tiễn: Một mô hình sáng tạo

“Bắc thang lên hỏi ông trời: Giao thông như vậy tiêu đời được chưa?”. Đó là hai trong số những câu thơ lục bát thuyết minh ảnh tham gia cuộc thi “Vui cùng giao thông” do Sở GD-ĐT TPHCM, Ban An toàn giao thông TPHCM phối hợp cùng Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) và Công ty TNHH Intel Products Việt Nam thực hiện tại 12 trường THCS trên địa bàn quận 9 TPHCM. Hơn 130 bức ảnh vượt qua vòng sơ khảo đã thể hiện cái nhìn sâu sắc của học sinh về ý thức chấp hành luật và tham gia bảo vệ giao thông.  
Học luật giao thông qua thực tiễn: Một mô hình sáng tạo

“Bắc thang lên hỏi ông trời: Giao thông như vậy tiêu đời được chưa?”. Đó là hai trong số những câu thơ lục bát thuyết minh ảnh tham gia cuộc thi “Vui cùng giao thông” do Sở GD-ĐT TPHCM, Ban An toàn giao thông TPHCM phối hợp cùng Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) và Công ty TNHH Intel Products Việt Nam thực hiện tại 12 trường THCS trên địa bàn quận 9 TPHCM. Hơn 130 bức ảnh vượt qua vòng sơ khảo đã thể hiện cái nhìn sâu sắc của học sinh về ý thức chấp hành luật và tham gia bảo vệ giao thông.  

Thay đổi ý thức

Học sinh tham gia cuộc thi vẽ tranh giao thông trên cát.

Học sinh tham gia cuộc thi vẽ tranh giao thông trên cát.

Đó là một trong những hoạt động nằm trong dự án “An toàn giao thông qua ống kính trẻ em” được triển khai thí điểm tại 12 trường THCS trên địa bàn quận 9. Thông qua hình thức chụp ảnh từ thực tế, các em học sinh lần đầu tiên được thể hiện vai trò chủ động của mình trong việc thể hiện cái nhìn về văn hóa giao thông bằng chính nhận thức và suy nghĩ tuổi học trò. Từ đầu năm học 2012 - 2013 đến nay, gần 300 tình nguyện viên của Công ty Intel Products đã tham gia các hoạt động tập huấn về kiến thức an toàn giao thông, mở các lớp dạy chụp ảnh và tổ chức cho học sinh tham gia các giờ thực tập chụp ảnh ngoại khóa tại địa phương.

Lê Anh Vũ, học sinh lớp 7/1, Trường THCS Phước Long (quận 9) cho biết: “Trước giờ chỉ được học luật giao thông qua sách vở, đây là lần đầu tiên em được học về giao thông qua các bức ảnh trải nghiệm từ chính thực tế diễn ra quanh mình”. Vũ cho biết, giờ học chụp ảnh ngoại khóa, em và các bạn trong đội thành viên nòng cốt được phát mỗi người một máy ảnh do Công ty Intel Products tài trợ. Các em chia nhau túc trực ở các ngã ba, ngã tư đường, dọc theo những dải phân cách thường xuyên xảy ra tai nạn. “Có đi thực tế mới hiểu nỗi vất vả của các chú cảnh sát giao thông vì còn nhiều người chưa có ý thức chấp hành luật giao thông. Nhất là khi chính em chứng kiến một vụ tai nạn giao thông do va quẹt, người điều khiển xe máy không chấp hành tín hiệu đèn giao thông thì em càng hiểu được sự cần thiết của việc tham gia chấp hành luật”, Vũ chia sẻ. Còn đối với Nguyễn Minh Trung, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Tăng Nhơn Phú B, bày tỏ: “Em đã thấy sự thay đổi của nhiều bạn trong lớp, không còn chạy giỡn khi băng qua đường, không dàn hàng hai, hàng ba khi đi trên đường. Riêng em cũng bắt đầu có ý thức đội nón bảo hiểm khi đi xe đạp điện, điều mà trước đây em cho là không cần thiết, truyền đạt kiến thức về an toàn giao thông cho các em nhỏ cùng xóm. Từ đó giúp mọi người cùng thay đổi thói quen tham gia giao thông”.

Mô hình cần nhân rộng

Phát biểu tại ngày hội, Tổng giám đốc điều hành Quỹ Phòng chống thương vong châu Á, bà Mirjam Sidik, cho biết: “Dự án An toàn giao thông qua ống kính trẻ em sử dụng hình thức chụp ảnh để giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh. Thông qua việc sử dụng các hình ảnh trực quan sinh động, các em góp thêm tiếng nói của mình giúp thay đổi nhận thức của cộng đồng và trở thành những công dân gương mẫu về an toàn giao thông”. Đồng quan điểm, bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, bày tỏ: “Thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 50% học sinh THCS trên địa bàn TPHCM tự điều khiển các phương tiện hai bánh đến trường. Nhưng do ở lứa tuổi còn rất hiếu động, chưa nhận thức đầy đủ về ý thức chấp hành luật giao thông nên việc giáo dục cho các em ở bậc học này hết sức quan trọng. Vì vậy, Sở GD-ĐT TP khuyến khích các trường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về giao thông dưới nhiều hình thức sáng tạo khác nhau”. Các bức ảnh chụp với nhiều góc độ, chú thích ảnh hồn nhiên theo kiểu học trò như “Tống ba vun vút trên đường. Tuổi thanh niên có đong lường được chăng” hay “Biết là dải phân cách. Anh vẫn vô tư trèo. Con nít mà nhìn thấy. Dễ gì không làm theo” dễ đọc, dễ nhớ khiến luật giao thông không còn là kiến thức xơ cứng trong sách vở mà đã trở nên gần gũi, dễ chấp hành. Dự kiến, năm học 2013 - 2014, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các trường THCS khác trên địa bàn TP.

Ngoài ra, dự án còn có nhiều hoạt động trực quan khác như thi vẽ tranh giao thông trên cát, xem các đoạn video clip hướng dẫn đội nón bảo hiểm đúng quy cách, tìm chữ cái nối khẩu hiệu an toàn giao thông… được học sinh các trường hưởng ứng sôi nổi. Ông Đặng Kim Hùng, Phó Chánh văn phòng, Thường trực Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, chỉ tính trong tháng 5-2013 đã có 412 vụ tai nạn giao thông làm 661 người chết và 343 người bị thương. “Giáo dục giao thông qua các bức ảnh là một trong những hoạt động hưởng ứng năm “An toàn giao thông” của thành phố nhằm giúp học sinh, những người chủ tương lai của đất nước ý thức tốt hơn về việc chấp hành luật giao thông”, ông Hùng bày tỏ

Thu Tâm

Tin cùng chuyên mục