Học sinh khó khăn đang chờ máy tính

Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do Bộ TT-TT chủ trì, kết hợp với nhiều đơn vị triển khai mang ý nghĩa rất lớn, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19; việc tổ chức năm học mới 2021 gặp nhiều khó khăn, phải tổ chức dạy và học trực tuyến trong điều kiện đường truyền internet hạn chế dung lượng, nhiều học sinh thiếu máy tính, máy tính bảng học tập.
UBND tỉnh Bình Phước trao thiết bị học trực tuyến qua đại diện các địa phương từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: HOÀNG BẮC
UBND tỉnh Bình Phước trao thiết bị học trực tuyến qua đại diện các địa phương từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ảnh: HOÀNG BẮC

Xóa nhanh vùng lõm sóng

Theo Bộ TT-TT, chương trình “Sóng và máy tính cho em” gồm 3 cấu phần: có sóng, có internet đến tất cả hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc hộ nghèo; có giá cước phù hợp cho máy tính. Có sóng cho em, có internet cho em không chỉ là nỗ lực của nhà mạng, mà còn là sự chung tay của chính quyền các cấp, của người dân tạo điều kiện cho nhà mạng phát triển hạ tầng, xây dựng các trạm phát sóng.

Ngay sau đó, các nhà mạng di động đã tham gia phủ sóng cho 283 điểm lõm sóng trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hậu Giang, Phú Yên, Bình Phước, Đồng Tháp, Khánh Hòa để phục vụ dạy và học trực tuyến. Kế hoạch trong năm 2021, các đơn vị sẽ phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối internet di động trên toàn quốc.

Trong chương trình này, các nhà mạng viễn thông có vai trò hết sức quan trọng. Ba mạng di động Viettel, VinaPhone - VNPT và MobiFone cam kết miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo khi được tặng máy tính để học trực tuyến. Các nhà mạng cũng hỗ trợ gói cước, hạ tầng CNTT, giải pháp phục vụ việc dạy và học trực tuyến (như máy chủ, chỗ đặt máy chủ và đường truyền internet kéo dài trong 3 tháng), kinh phí dự kiến 450 tỷ đồng.

Với ý nghĩa thiết thực của chương trình, các doanh nghiệp công nghệ khác còn miễn phí 6 nền tảng dạy và học trực tuyến Việt Nam, gồm: VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS với giá trị ủng hộ lên tới 200 tỷ đồng.

Vẫn còn chờ máy

Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, FPT đã hỗ trợ ngay 100 máy tính cùng 1.000 thiết bị học trực tuyến cho các em hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đơn vị này còn hỗ trợ 3.300 máy tính bảng, gói internet FPT, nền tảng học trực tuyến VioEdu… hỗ trợ học sinh khó khăn tại 7 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng hình thức dạy học online gồm: Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Ninh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Học sinh khó khăn đang chờ máy tính ảnh 1 Nhân viên FPT Shop chuẩn bị máy tính bảng để chuyển đến các em học sinh khó khăn ở Đồng Nai
Bà Mai Lan Anh, Phó Giám đốc Truyền thông - Marketing, Tập đoàn FPT cho biết: “Chúng tôi huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn thiết bị từ hệ thống FPT shop để đủ số lượng hỗ trợ. Hiện thiết bị đã được tập kết ở các địa phương và trong hôm nay (14-10) trao trực tiếp 400 máy tính bảng cho học sinh ở Đồng Nai. Với lực lượng của FPT Telecom, FPT shop ở các tỉnh thành, chúng tôi đủ năng lực để triển khai hỗ trợ máy tính bảng cho học sinh, từ trao thiết bị đến cài đặt chương trình. Sau Đồng Nai, từ ngày 15 đến 20-10, chúng tôi sẽ trao tận tay toàn bộ máy tính bảng cho học sinh ở các địa phương khác”.

Không chỉ FPT, rất nhiều đơn vị trao thiết bị học tập như máy tính bảng, laptop đến tay học sinh trong chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, cho biết, tập đoàn cam kết hỗ trợ 37.000 máy tính bảng cho chương trình này và sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành giáo dục góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, để bảo đảm không học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”.

37.000 máy tính bảng là rất lớn, học sinh khó khăn rất mong chờ nhưng đến nay, số thiết bị này vẫn chưa đến tay học sinh. Phía VNPT cho biết đang chờ hướng dẫn từ Bộ TT-TT và Bộ GD-ĐT mới triển khai chương trình. Cụ thể ở đây là danh sách, địa điểm để trao máy tính bảng. Trong khi đó, việc thống nhất cấu hình, phân loại máy tính bảng phù hợp với từng cấp học và giá thành của máy cũng làm VNPT “đau đầu”. Ngoài ra, nguồn hàng khá khan hiếm nên việc triển khai 37.000 máy tính bảng chưa thể diễn ra nhanh được.

Theo Bộ GD-ĐT, tính đến thời điểm này, cả nước có 26/63 tỉnh, thành phố đang cho học sinh học trực tuyến; số đang học trực tuyến ước khoảng 7,35 triệu học sinh tất cả các cấp. Số chưa có máy tính để học trực tuyến, cần được hỗ trợ tại 26 tỉnh/thành phố ước khoảng 1,5 triệu học sinh, nên rất mong các đơn vị đã cam kết nhanh chóng trao thiết bị học tập cho các học sinh khó khăn.

Tin cùng chuyên mục