Học sinh làm “hướng dẫn viên” bảo tàng

Tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở TPHCM, em Nguyễn Ngọc Thụy Vy, học sinh lớp 9 Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 giới thiệu với các bạn chuyên đề Trẻ em thời chiến: “Khi quân đội Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nhiều trẻ em đã sinh ra, lớn lên và sinh hoạt trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, phải thích nghi với cuộc sống nguy hiểm, kham khổ và thiếu thốn. Sự khắc nghiệt trong chiến tranh hiện rõ qua hình ảnh trẻ em được sinh ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc, Quảng Trị; lớp học của trẻ em Việt Nam ở vườn trẻ HTX Dục Tú, Đông Anh (Hà Nội); cảnh sơ cứu trẻ em bị thương tại Trường cấp 2 Vạn Phúc Hà Nội đến những ngôi trường dã chiến ở chiến khu vùng ĐBSCL… Có lẽ trong ký ức của tất cả học sinh ngày ấy, chiếc mũ rơm và giao thông hào là những hình ảnh vô cùng sâu đậm, không thể phai mờ”.

Kế đến, em Lưu Minh Tuấn trình bày: “Khó khăn, khắc nghiệt, đau thương là thế nhưng sâu thẳm trong học sinh ngày ấy là tinh thần hiếu học. Không chỉ được học chữ mà còn được học đàn, học vẽ, học múa, hát. Những vần thơ, tiếng hát ngày ngày vẫn vang lên dưới tiếng bom rền. Các bạn có biết không? Trong hoàn cảnh phải sơ tán khắc nghiệt như thế nhưng nhiều nhân tài đã trưởng thành từ đây: đó là Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn, đó là đôi nghệ sĩ múa tài danh Vương Linh - Đặng Hùng...”. Những tràng pháo tay tán thưởng khi Minh Tuấn giới thiệu lưu loát như vậy.

Lần đầu tiên tham gia làm “hướng dẫn viên” bảo tàng, một hoạt động mới nhưng các bạn học sinh tỏ ra khá tự tin, thích thú. HS Thái Đào Minh Hiền nói: “Em thấy cách học này rất hay và hiệu quả. Thông qua những hình ảnh tư liệu sống động, chúng em dễ học và dễ nhớ”. Các bạn nam, nữ “hướng dẫn viên” mặc đồng phục, đeo khăn quàng đỏ giới thiệu khá lưu loát và tự tin những hình ảnh của nội dung chuyên đề “Trẻ em thời chiến” thật ra dáng chuyên nghiệp.

Có mặt tại bảo tàng cùng với học sinh, thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, chia sẻ: “Đây là một cách học từ thực tiễn rất sinh động. Trước đây, chúng tôi cũng từng tổ chức cho học sinh tìm hiểu thực tế tại Bảo tàng Lịch sử VN – TPHCM, giúp các em thêm kiến thức lịch sử; tổ chức tham quan Thảo Cầm viên Sài Gòn để các em bổ sung kiến thức sinh học. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã chủ động lên kế hoạch rất kỹ và phối hợp với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thực hiện hoạt động thiết thực này”.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục