Hội chứng “hot girl”

Hội chứng “hot girl”

Sáng, chuẩn bị đi làm, thấy bé Mi nhà hàng xóm đứng trước cửa đợi ba chở đi học, vui miệng hỏi một câu làm quà “Bé Mi chuẩn bị đi học đó hả? Lớn lên con thích làm gì?”. Và giật bắn người khi cô bé mới lớp 5 cười hồn nhiên “Lớn lên con thích làm hot girl”. Vào đến công ty, gõ từ khóa “hot girl Việt” trên Google,  sau 0,2 giây, cho 3.780.000 kết quả!

Lạm dụng

Hiện nay, vào các trang web như Kenh14.vn, Zing.vn, ymoi.com, game4v.vn, teen.vn…, có thể thấy nhan nhản các bài báo online giật tít kiểu: Hot girl Elly: “Từng xấu hổ vì vòng 1 quá lớn” (Kenh 14, ngày 4-9-2009); Hot girl hội ngộ cùng ca sĩ Khánh Phương (Zing, 30-8-2009); Khi hot girl “đụng hàng” (Kenh 14, 3-7-2009);  Hot girl viết lời yêu thương (Zing, 24-9-2009); Clip hot girl “giở trò” giữa công viên (teen.vn, 18-9-2009)…

Các trang web này lại “post” bài lẫn nhau khiến cho mặt bằng thông tin về giới trẻ Việt tràn ngập những nội dung và hình ảnh của các “hot girl”. Và “hot girl” có thật là hot girl, hay phải “nhờ” những trang báo mạng gắn mác? Thậm chí, khi đưa thông tin hoặc hình ảnh các bạn gái trẻ (dù chỉ mới nổi qua một vài lần làm người mẫu ảnh cho các tờ báo, mẫu game, hay gây chú ý qua một vài cuộc thi nho nhỏ) thì cũng được các tờ báo này đặt tít nghe rất kêu: Hot girl X ngọt ngào như kẹo…, Ngắm hot girl A xuống phố… Hay gần đây, việc những bạn trẻ tham gia viết lời yêu thương dành cho các em nhỏ bị nhiễm HIV ở Hà Nội trong một chương trình sẽ ý nghĩa hơn nếu những người làm chương trình này đừng đưa những hạt sạn như “Hot girl viết lời yêu thương” lên trang web để tự lăng xê. Hành động đẹp và có ý nghĩa thì tự thân nó khắc đẹp và có ý nghĩa, chứ cần gì phải dính dáng đến… 2 chữ “hot girl”!

“Hot girl” là gì? Như một tờ báo lớn gần đây cho rằng “… “Hot boy”, “hot girl” là những cụm từ được dành tặng cho những cô cậu tuổi teen có tài, nổi tiếng trong cộng đồng mạng với những thành tích nổi bật trong học tập, cũng như các hoạt động thiện nguyện…” là hoàn toàn không đúng. Ở nước ngoài người ta chẳng bao giờ nói các bạn trẻ có thành tích học tập nổi bật và thường xuyên đi làm từ thiện là “hot boy, hot girl” cả. Thậm chí các ngôi sao tuổi teen của Hollywood dù có “hot” cỡ nào cũng chẳng dại gì xưng mình là “hot girl”! “Hot girl” nghĩa tiếng Anh là “Gái quậy, gây sốc, chơi nổi, bốc lửa…”.

Vậy mà các bạn gái Việt mới nổi chẳng hề phản ứng gì khi bị gọi là “hot girl”. Thế đó, vậy là những tờ báo mạng ngày càng lạm dụng từ này. Họ sẵn sàng “dí” các nhân vật được phỏng vấn (sau đó họ sẽ gọi là “hot girl”) những câu hỏi đại loại: “Bây giờ, cứ nhắc đến Elly là nhắc đến những bộ ảnh nóng bỏng, sexy, Elly cảm thấy thế nào?”; “Liệu Elly còn cái gì khác khiến người ta phải nhớ đến ngoài vòng 1 gợi cảm đó không?”; “Rất nhiều ca sĩ nữ bây giờ đều chuyển hướng sang trào lưu sexy girl, bạn có định theo trào lưu đó?”... (Trích phần phỏng vấn của trang Kenh14.vn dành cho Elly (tên thật Kim Hồng) trong bài Hot girl Elly: “Từng xấu hổ vì vòng 1 quá lớn” đăng ngày 4-9). Trước những câu “nghe đỏ cả mặt” như vậy, trước những cám dỗ quá dễ dãi, có mấy bạn trẻ có đủ sáng suốt để “xù lông” đừng gọi tôi là “hot girl”? Hay hầu hết đều ngây ngô, thậm chí a dua theo cơn sốt “hot girl” này để mọi người chú ý đến mình hơn.

“Hot girl”, từ đâu em đến?

Cô gái đang gây xôn xao trong cộng đồng mạng hiện nay và được giới trẻ coi là “hot” nhất trong các “hot girl” là Kim Hồng (sinh 1987) với nickname Elly. Cách đây khoảng nửa năm thì chẳng ai biết đến Elly cho đến khi cô tham gia cuộc thi Thục Sơn kiều nữ 2009 do Công ty NetGame Asia tổ chức và trở thành gương mặt đại diện cho trò chơi nhập vai trực tuyến (game online) Thục Sơn kỳ hiệp.

Và Elly Kim Hồng chỉ là một trong những gương mặt mới nhất của trào lưu dùng “hot girl” để quảng cáo game đã có từ lâu trước đó. Mở màn tại Việt Nam phải kể đến cuộc thi Thập đại mỹ nhân trong trò chơi nhập vai trực tuyến Võ lâm truyền kỳ của VinaGame và Miss Audition của VTC hồi năm 2006. Nhưng những nhân vật nữ đại diện lúc này chỉ mới dừng lại ở cách gọi “mỹ nữ”, “mỹ nhân”, “Miss”…

Sau này, khi VTC mời Hoàng Thùy Linh làm đại sứ game Linh Vương; Thủy Top (tên thật: Huỳnh Minh Thủy) đại sứ Thiên Long bát bộ của FPT online; Tâm “tít” (tên thật: Phạm Thanh Tâm) - Fly For Fun của VDC; Pé Tin (tên thật: Nguyễn Thị Lan Hương) - Zing Speed của VinaGame… thì hai chữ “hot girl” xuất hiện.

Thủy Top (ngồi giữa)- nhân vật đại diện cho Game Online Thiên Long bát bộ (của FPT online) - trong một buổi giới thiệu về game này
Thủy Top (ngồi giữa)- nhân vật đại diện cho Game Online Thiên Long bát bộ (của FPT online) - trong một buổi giới thiệu về game này

Trong đêm hội Asiasoft Game Festival 2009 của Nhà phát hành Asiasoft nhằm quảnh bá game Độc bá giang hồ diễn ra vào tháng 8 vừa qua, một người trong Ban tổ chức chương trình còn đến hỏi các nhà báo đến dự “Mấy anh có muốn phỏng vấn các “hot girl” không?”(!)…

Cùng với trào lưu “mẫu game”, “đại diện game” thì 2 chữ “hot girl” ngày càng được đem ra sử dụng nhiều. Công việc của “mẫu game” là gì? Là đại diện các trò chơi, chụp hình trên các poster quảng bá trò chơi, xuất hiện trong các buổi ra mắt game và họp mặt với game thủ… Các nhà phát hành game tại Việt Nam khi đã có gương mặt đại diện thì không ngừng nâng tần số xuất hiện của “mẫu game” trong những bộ ảnh thiếu vải, sexy không đúng với nguyên bản của những nhân vật hiệp nữ trong bối cảnh lịch sử mà trò chơi mượn tên. Hiện nhan nhản trên rất nhiều website là hình ảnh một đại diện game mong manh trong bộ bikini đang nằm… học bài bên chồng sách vở và cái laptop có dán hình ảnh quảng bá cho trò chơi mà cô làm đại diện!

Chưa nói đến việc các game online đã lấy khá nhiều thời gian của giới trẻ, trong đó có những em chỉ mới là học sinh cấp 1-2, thì việc đưa những hình ảnh đại diện đầy gợi cảm chắc chắn ảnh hưởng đến các em -  những người nạp rất nhanh những cái mới, những gì gọi là “trào lưu”, là “hội chứng”, “cơn sốt”. Và hiển nhiên, các em cũng chưa đủ bản lĩnh và sự sáng suốt để “sàng lọc” trong quá trình tiếp nhận thông tin, văn hóa thời Internet bùng nổ.

Với mục đích quảng bá và thu lợi nhuận của các công ty game, các trang web tuổi teen, hình ảnh các cô gái thiếu vải, khoe các vòng hết cỡ và gắn mác “hot girl” đang chiếm lĩnh quá nhiều “không gian thông tin” trên Internet và tăng nhanh với mức độ đáng báo động.

Về phần mình, “hot girl” - cũng là những người trẻ - các cô được gì, mất gì và còn lại gì cho mình sau này khi hôm nay các cô cứ để cho những người khác (dĩ nhiên khôn hơn các cô nhiều) tô vẽ cho các cô, lợi dụng sự gợi cảm và bốc lửa mà các cô cũng muốn phô bày, “dí” cho các cô những câu hỏi “sốc hàng”? Và dù các cô có trả lời, có ứng phó như thế nào đi nữa, một khi các cô đã gật đầu với cái mác “hot girl” và ngày ngày hiện diện ồ ạt trên các website, báo mạng, người “chịu xem” thì khoái trá bình phẩm, chỉ trỏ các vòng 1, 2, 3 của các cô, cười cợt, rồi quên. Người đủ chững chạc thì chậc lưỡi “cái bọn hot girl”, mà hiếm khi họ nghĩ đến những kẻ nhào nặn ra các cô.

Lâm An
(SGGP thứ bảy)

Tin cùng chuyên mục