

Thu hoạch lúa tại Karawang, Tây Java, Indonesia.
“Thế giới cần hiểu biết và nên hợp sức để ngăn chặn tình trạng khủng hoảng lương thực như hiện nay, nhưng điều cần thiết là phải tập trung ý chí chính trị và nguồn lực để bảo đảm một giải pháp lâu dài cho hàng triệu người đang chịu đau khổ vì đói kém”. Đây là những lời kêu gọi của ông Léo Mérorès, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC), phát biểu trong phiên họp đặc biệt của ECOSOC bàn giải pháp chống khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Ông cảnh báo, cuộc khủng hoảng giá lương thực tăng cao không chỉ đe dọa sức khỏe của người dân mà còn gây nguy hiểm cho sự ổn định chính trị và kinh tế của nhiều nước.
Trong khi đó, các nước thành viên LHQ cho rằng cần thiết phải vừa hành động ngay lập tức để đáp ứng nhu cầu nhân đạo, vừa nâng cao sản xuất nông nghiệp về lâu về dài và đưa nông nghiệp trở lại trọng tâm chương trình nghị sự về phát triển. Đồng thời tìm cách thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và kỹ thuật nông nghiệp nhằm giảm giá thành, tăng một cách bền vững năng suất và sản lượng lương thực trên mỗi ha đất trồng.
Theo thống kê mới nhất của LHQ, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đã đẩy khoảng 100 triệu người vào tình trạng nghèo khổ và 830 triệu người khác phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực nghiêm trọng. Tình trạng lạm phát tăng cao, giá lương thực tăng đã dẫn đến nhiều vụ biểu tình của những nước nghèo tại châu Phi, châu Á trong thời gian qua.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, điều này có nghĩa là thế giới bị mất đi 7 năm trong cuộc chiến toàn cầu chống đói nghèo và nó có thể xóa sạch một loạt tiến bộ đạt được trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.
N.P. (Theo UN News Centre)