Cách đây 25 năm, nước ta vẫn còn nằm trong vòng cô lập với thế giới, đặc biệt là trong phát triển kinh tế. Bức tranh của đất nước lúc đó thật u ám. Là một nước nông nghiệp, nhưng hạt gạo chỉ đủ chống đói cho dân. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chưa có sản phẩm nào đặc sắc đủ sức trở thành một thương hiệu để xuất khẩu, ngoại trừ nguồn nhân công dồi dào - nhưng lại không đủ điều kiện để xuất khẩu do thiếu tay nghề được đào tạo một cách chuyên nghiệp…
Vậy mà chỉ mươi năm sau, tình hình đã thay đổi hoàn toàn. Việt Nam trở thành một trong những nước phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới với tốc độ ổn định. Bằng đường lối hội nhập và phát triển đúng đắn, Việt Nam nhanh chóng giao thương với thế giới và bè bạn khắp năm châu. Quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng đã tạo ra thế và lực mới cho nền kinh tế đất nước.
Các vòng cương tỏa được thay thế bằng những hiệp định thương mại song phương và đa phương với ngay cả các nước xưa kia từng là thù địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) trong nước xuất khẩu sản phẩm của mình đi khắp các châu lục. Hội nhập đã trở thành xu thế tất yếu và là một nhân tố quan trọng trong quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Tính đến nay, nước ta đã có quan hệ chính trị và kinh tế với 713 nước, vùng lãnh thổ, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ trên thế giới.
Tuy nhiên, quá trình hội nhập ngày càng mở rộng cũng mang theo nó sự cạnh tranh khốc liệt trên mọi phương diện. Khi nền kinh tế mở cửa để hội nhập cũng là lúc các DN trong nước - vốn còn yếu đuối về cả tiềm lực và trí tuệ - phải đối mặt với các tập đoàn hùng mạnh của các nước đứng đầu thế giới. Trong xu thế cạnh tranh ấy, DN trong nước luôn chịu thiệt thòi, thậm chí thất bại, bị DN nước ngoài sáp nhập, “thôn tính”. Đó là hậu quả không thể tránh khỏi của thời hội nhập ở các nước đang phát triển như nước ta.
Chưa hết, khi xuất khẩu, hàng Việt Nam lại một lần nữa bị cạnh tranh bởi nhiều nước trong khu vực và thế giới. Vốn biết rằng một đất nước như Việt Nam có nhiều đặc sản quý hiếm, song những sản phẩm thô, “nguyên trái, nguyên hạt” không làm vừa lòng những khách hàng khó tính của thị trường các nước phát triển. Trong khi đó, các nước trong khu vực Đông Nam Á và Nam Á cũng có những của ngon vật lạ tương tự như nước ta, nhưng được chế biến rất khéo bằng công nghệ hiện đại, bao bì đẹp mắt và giá cả hợp lý…
Rõ ràng, cuộc cạnh tranh trên thương trường muôn hình muôn vẻ luôn đẩy các DN Việt Nam vào thế bất lợi. Nhưng chúng ta có thể chiến thắng được không khi dấn thân hội nhập vào thế giới? Hoàn toàn có thể được. Trước hết, một số nông sản được thế giới ưa thích lâu nay thường trồng tản mạn, chế biến sơ sài, nay cần được canh tác thành vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng suất và chất lượng, vừa có thể chế biến, tạo thêm giá trị gia tăng và đáp ứng nhu cầu đa dạng cho xuất khẩu. Đồng thời, đối với một số mặt hàng có thế mạnh, đang nằm trong tốp dẫn đầu thế giới như gạo, điều, hồ tiêu, cà phê… nhà nước cần phải tập trung đầu tư toàn diện, từ ưu đãi về chính sách đặc biệt là chính sách thuế; tạo điều kiện tập trung ruộng đất; đầu tư vốn và đào tạo cán bộ kỹ thuật; biến những người nông dân thành những chủ trang trại lớn của các vùng chuyên canh những loại cây xuất khẩu... Đó là những giải pháp rất cần được nhà nước hỗ trợ để cho những nhà sản xuất và xuất khẩu có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt thời hội nhập.
Phan Lộc