Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) mừng ra mặt: “Kể từ khi cây quế Trà Bồng được công nhận thương hiệu, diện tích trồng cây quế trong toàn huyện đã tăng đáng kể. Hàng hóa làm ra có nơi tiêu thụ, kinh tế các hộ gia đình khấm khá nên nhiều nhà đã quay lại trồng quế”.
Vào mùa
Thời điểm này, đồng bào dân tộc Cor huyện Trà Bồng bắt đầu vào vụ trồng quế mới. Men theo những sườn núi đều bắt gặp những xe chở cây quế giống ngược xuôi. Cây quế non được những bàn tay cần cù chịu khó thoăn thoắt trồng xen vào những vườn quế lâu năm đang cho thu hoạch. Theo lý giải của người dân, đây là kiểu trồng gối đầu để khi lứa quế hiện tại già cỗi đi sẽ có lớp quế khác thay thế.
Dừng chân ven sườn núi ở xã Trà Thủy, chị Hồ Thị Phước (36 tuổi), người dân địa phương, khoe: “Ngoài 1ha hiện có, vụ năm nay, gia đình sẽ trồng thêm khoảng 2.000 cây nữa. Vụ vừa rồi thu hoạch, nhà tôi lãi được hơn 20 triệu đồng đấy”. Cũng tại một vị trí khác ven sườn núi ở xã Trà Sơn, anh Hồ Văn Hơn (38 tuổi), hồ hởi: “Nhà tôi hiện có gần 20.000 cây, nửa số đó đã cho thu hoạch. Giá quế vỏ tăng nên vụ năm nay, tôi sẽ tiếp tục trồng thêm 2.000 cây nữa”.
Dõi mắt ra cánh rừng xanh bạt ngàn quế đang reo vui xào xạc, ông Hồ Văn Son (63 tuổi), ở xã Trà Sơn, nói: “Với đồng bào Cor ở địa phương, quế là loại cây trồng chủ lực không thể thiếu của mỗi gia đình dù có đôi lúc gặp phải thăng trầm, diện tích giảm xuống. Hương quế không còn “bay” xa nhưng người dân vẫn nhất quyết không bỏ quế. Nhà ít thì trồng vài chục cây ở quanh vườn, nhà nhiều trồng cả chục ngàn cây. Những năm của thập kỷ 90 được xem là thời vàng son của cây quế, với giá quế vỏ có lúc lên trên 45.000 đồng/kg. Diện tích cây quế lên đến 10.000ha. Thế nhưng, đến khoảng năm 2000, giá quế bắt đầu tụt dần đến mức thảm hại, có lúc chỉ còn từ 12.000-16.000 đồng/kg nên người dân đã ồ ạt chặt bỏ. Nay cây quế đã thực sự quay trở lại với bà con bản mình rồi”.
Kiểm soát
Ông Trần Văn Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng nhẩm tính: Chỉ một năm sau khi quế Trà Bồng được công nhận thương hiệu, giá vỏ quế hiện ở mức 21.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng/kg so với trước đó) kéo theo diện tích trồng quế của địa phương cũng tăng lên nhanh chóng. Nếu như năm 2007, diện tích trồng quế của huyện chỉ 350ha, nay đã tăng lên trên 1.800ha. Trong đó nhiều nhất là xã Trà Sơn trên 416ha; Trà Thủy khoảng 395ha; Trà Hiệp trên 300ha; Trà Bùi gần 280ha...
Vào mùa trồng quế năm nay, ngoài người dân tự ươm, từ nguồn kinh phí ngân sách, UBND huyện đã đầu tư trên 5 tỷ đồng để ươm và mua khoảng 6 triệu cây quế giống cấp cho người dân trồng mới trên diện tích khoảng 1.700 ha. Việc phát triển cây quế quá nhanh là điều đáng mừng, chứng tỏ cây quế Trà Bồng đã lấy lại được vị thế của mình. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo lắng trong việc giữ ổn định cho loại cây trồng này”, ông Sương bày tỏ.
Hiện trên địa bàn huyện Trà Bồng chỉ có một cơ sở duy nhất thu mua và chế biến sản phẩm từ cây quế, đó là Công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng. Ông Nguyễn Đức Lương, Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: “Từ khi quế Trà Bồng được công nhận thương hiệu, nhiều đối tác làm ăn trong và ngoài nước (chủ yếu là Trung Quốc) tìm đến đặt hàng. Vụ thu hoạch 2011, cơ sở đã thu mua của người dân được trên 800 tấn quế khô, nhiều gấp đôi so với năm 2009”.
Ông Trần Văn Sương nói tiếp: “Bài học kinh nghiệm từ mấy năm nay tại Quảng Ngãi là giá khoai mì tăng cao, hàng ngàn hộ dân các huyện miền núi cũng như đồng bằng đã chặt phá rừng, chuyển diện tích trồng mía sang trồng khoai mì. Hệ quả tất yếu là môi trường bị tàn phá, sản lượng khoai mì tăng đột biến, hàng trăm xe chở khoai mì ứ đọng xếp hàng để được nhập khoai mì vào nhà máy gây nên tình trạng bị ép giá, chất lượng tinh bột không đạt theo yêu cầu khiến người trồng khoai mì bị thiệt. Với cây quế, chúng tôi đang hướng dẫn người dân không đi vào vết xe đổ của cây khoai mì bằng cách kiểm soát diện tích hiện có và diện tích trồng mới. Để đảm bảo duy trì diện tích, chất lượng, thu nhập của người dân ổn định, sắp tới huyện sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp về vốn để thu mua và chế biến sản phẩm quế. Quan trọng nhất vẫn là hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm từ quế”.
HÀ MINH