“Hồi sinh” tăng thiết giáp

“Hồi sinh” tăng thiết giáp

Kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 _ 22-12-2016):

Đêm xuống, trên bãi tập Lữ đoàn Tăng thiết giáp 26 (tỉnh Đồng Nai), tiếng động cơ xe tăng ầm ầm xen lẫn tiếng chỉ huy, tiếng bộ đội báo cáo. Cụm bia mục tiêu cách xe tăng 1km, đèn gắn trên bia liên tục sáng, tạo cơ hội cho xe tăng nhắm bắn nhanh lẹ, chính xác. Trên tay người chỉ huy cầm bộ điều khiển đèn gắn trên cụm bia mục tiêu. Đèn sáng ở đâu, xe tăng nhắm thẳng đến đấy, ngắm bắn. Các cụm bia gắn đèn là “Bộ bia huấn luyện chiến thuật ban đêm” - sáng kiến của trung đội trưởng, thượng úy Nguyễn Công Hiếu.

“Ngọn đèn sống” rút lui

Cách đây hơn 1 năm, do điều kiện huấn luyện nên mô hình huấn luyện ban đêm rất ít. Như những binh chủng khác, công tác huấn luyện chiến thuật binh chủng tăng thiết giáp mang nhiều đặc thù. Đặc biệt, xe tăng tham gia huấn luyện ban đêm cần nhiều người phục vụ. Khi chỉ huy phổ biến ý định và thể hiện các tình huống huấn luyện thì phải có bộ đội đứng ở cụm bia mục tiêu, cầm đèn chiếu sáng theo hiệp đồng chỉ huy đưa ra. Căn cứ vào ánh sáng, xe tăng mới có thể ngắm bắn. Bộ đội đứng cạnh cụm bia không khác “ngọn đèn sống” chỉ hướng cho xe tăng. Do đó, tổ chức một bài huấn luyện ban đêm hao tốn rất nhiều nhân lực. Chưa kể, hiệp đồng giữa chỉ huy và bộ đội soi đèn thường xuyên trục trặc do xe tăng cơ động gây tiếng ồn, mệnh lệnh phát ra chủ yếu từ đèn và còi ở khoảng cách xa.

Trăn trở trước tình hình thực tế trên thao trường, bãi tập, thượng úy Nguyễn Công Hiếu cùng đồng đội quyết tâm tìm cách “loại bỏ những ngọn đèn sống”, tiết kiệm sức người cho đơn vị. Sau 3 tháng ấp ủ, nghiên cứu và thử nghiệm, “Bộ bia huấn luyện chiến thuật ban đêm” ra đời từ những nguyên liệu, thiết bị đơn giản (đèn LED, bộ điều khiển…). Thiết bị sử dụng sóng vô tuyến điều khiển đèn gắn trên bia ẩn hiện sáng hoặc tắt trong khoảng cách 1km. Trong lúc tác chiến, người chỉ huy cầm điều khiển cho tắt, mở đèn tùy theo ý mình. Khi phổ biến tình huống, chỉ huy cũng có thể thể hiện mục tiêu cụm bia cụ thể bằng cách cho đèn sáng.

Từ đó, bộ đội dễ hình dung tình huống chiến thuật và có hướng xử trí tốt nhất. Thượng úy Hiếu cho biết các bộ điều khiển sóng vô tuyến được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống. Song, đây là lần đầu tiên sóng vô tuyến điều khiển cụm bia mục tiêu xuất hiện trên thao trường huấn luyện của lực lượng tăng thiết giáp. Cách lắp đặt, bố trí thiết bị đơn giản nhưng cho hiệu quả rõ rệt, giảm đáng kể sức người. “Đèn trên cụm bia được gắn bằng silicon, do mang vác từ đơn vị ra thao trường nhiều va đập nên đèn dễ bung. Đơn vị khắc phục bằng cách cố định thêm ốc. Bộ đội rất ý thức giữ gìn thiết bị nên nhược điểm trên không làm khó nổi đơn vị”, thượng úy Hiếu chia sẻ.

Làm mới “trâu già”

Chủ nhiệm kỹ thuật Lữ đoàn Tăng thiết giáp 26, Trung tá Nguyễn Thanh Hà hay nói vui, xe tăng chẳng khác gì con người, càng già càng lão hóa. Vì thế, cứ 5 năm là đơn vị nhận lệnh đồng bộ xe một lần. Khi ấy, “con trâu già” sẽ được làm mới từ trong ra ngoài. Cán bộ kỹ thuật mở banh hết tất cả bộ phận. Bên ngoài xe tăng thì gò nắn, sơn, hàn; bên trong thay thế, nâng cấp thiết bị. Cái khó mà lực lượng kỹ thuật đối mặt là tình trạng khan hiếm vật tư. Các bộ phận, thiết bị liên quan đến xe tăng hầu như phải mua qua nước thứ ba. Có những chủng loại đã không còn sản xuất nên không có đồ thay thế, buộc thợ phải “độ”. Mọi người thường đùa với nhau, đó là những sản phẩm “cây nhà lá vườn” phục vụ “trâu già”. Nói cách khác, đó là những cách làm xuất phát từ kinh nghiệm sửa chữa, huấn luyện, không có sách vở nào thể hiện chi tiết.

Cán bộ kỹ thuật Lữ đoàn Tăng thiết giáp 26 “làm mới” xe thiết giáp M113

Đơn cử, dây cao áp là sản phẩm hiếm, nhập từ nước ngoài. Trong quá trình sử dụng, vỏ nhựa bọc dây bong tróc, vỡ nên điện hay rò rỉ, gây nguy hiểm. Anh em trong đơn vị nghĩ ra cách lấy dây nhựa bịt kín lõi nhưng hai thứ không khớp nhau. Dây cáp lõi thì nhỏ, đường kính dây nhựa cuốn thì to. Tình cờ, trong lúc ngồi tán gẫu, một đồng chí vô tình cầm bật lửa hơ dây nhựa thì thấy nhựa teo lại. Anh em thử ngay cách này với dây cao áp. Quả thật, lửa nóng làm nhựa co vào, ôm kín lõi bên trong. Mấy lần đầu, do hơ quá tay nên dây nhựa teo hết. Qua vài lần thử nghiệm mới thành công. Ai cũng trầm trồ, nhiều người còn tưởng đơn vị có dây mới. Thực ra, đấy chỉ là dây “cũ mà mới”, là phát minh nhỏ của thợ sửa chữa xe tăng.

Có lần, trong lúc diễn tập thì một cái bơm (thiết bị trợ lái xe tăng) xì nhớt. Thiết bị trên rất hiếm do nhập khẩu từ châu Âu. “Chết rồi, đợi Hà Nội đưa hàng vào thì mất mấy tháng trời. Cả đơn vị lo lắng”, chủ nhiệm kỹ thuật Hà nhớ lại. Trước tình thế cấp bách, lãnh đạo quyết định cho thợ nhà chủ động khắc phục. Vì chưa đủ trình độ tự gia công nên đơn vị tìm nơi gia công cơ khí tốt nhất đặt hàng mẫu bộ phận hỏng hóc. Điều kiện đưa ra cực kỳ khắt khe: mọi chi tiết phải tuyệt đối ăn khớp với nhau. Sau đó, cán bộ kỹ thuật nhận lệnh tháo tất cả bộ phận trong bơm ra để xem xét, nghiên cứu. Đang làm, bộ đội hốt hoảng chạy lên báo cáo lãnh đạo vừa mở thì bơm bung hết, bi, ốc văng hết ra ngoài. Nghe tình hình, lãnh đạo đơn vị chỉ đạo xưởng sửa chữa giữ nguyên hiện trạng, không để rơi rớt, thất lạc bất kỳ bộ phận nào. Nhận lệnh, cán bộ kỹ thuật bình tĩnh lôi từng công đoạn, bộ phận ra, xác định dầu chảy từ đâu rồi đặt hàng làm thiết bị chỗ đó. Đây cũng là một cải tiến cơ phận nhỏ trong tổng thể thiết bị.

Theo trung tá Hà, những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đưa vào áp dụng thường xuyên tại đơn vị rất ít, khó; chủ yếu xuất phát từ tình huống bất ngờ, đòi hỏi xử lý gấp rút. Nhờ sự sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ mà xe tăng dù tuổi cao nhưng lúc nào cũng hoạt động sung sức, đáp ứng yêu cầu tác chiến. Những cải tiến trên tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi bề dày kinh nghiệm, tác phong tỉ mỉ, kiên trì trong mỗi người lính kỹ thuật.

HỒNG NHUNG

Tin cùng chuyên mục