Tăng chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 là cơ hội để thể chế hóa đầy đủ hơn vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhằm khẳng định vị trí trung tâm của MTTQ Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quan trọng hơn, MTTQ Việt Nam có thêm cơ chế, công cụ pháp lý và nguồn lực phù hợp để phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Phù hợp chủ trương sắp xếp tinh gọn

Theo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi: Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội “trực thuộc” MTTQ Việt Nam.

Nội dung này nhận được nhiều ý kiến góp ý, và đến nay vẫn còn những băn khoăn xung quanh khái niệm “trực thuộc” khi đề cập đến mối quan hệ giữa các tổ chức chính trị - xã hội với MTTQ Việt Nam, nhất là khi đặt vấn đề nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động nhưng vẫn giữ được tính độc lập, sáng tạo của từng tổ chức.

Về vấn đề này, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phân tích, cụm từ “trực thuộc” phản ánh đúng thực tế vận hành và phương thức tổ chức lại bộ máy hiện nay, phù hợp với đề án về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan MTTQ Việt Nam ở cấp Trung ương đã được Bộ Chính trị thông qua.

Các tổ chức thành viên vẫn tổ chức đại hội, có điều lệ, con dấu, tài khoản riêng, hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ riêng biệt. Những chức năng có sự giao thoa giữa các tổ chức sẽ được chuyển giao về các ban chuyên trách của MTTQ Việt Nam, từ đó giúp giảm chồng chéo, tăng hiệu quả hoạt động.

$4a.jpg
Người dân quận Gò Vấp (TPHCM) tham gia góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Ảnh: TẤN TÀI

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà nêu ý kiến, cụm từ “trực thuộc” ở đây không mang ý nghĩa về mặt quyền lực hành chính, mà thể hiện ở vai trò điều phối, quản lý biên chế, kinh phí, định hướng hoạt động - nhằm đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống chính trị và giúp MTTQ Việt Nam phát huy vai trò trung tâm.

Tăng cường cơ chế giám sát, phản biện xã hội

Một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này là việc tăng cường chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên. Đây là chức năng đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các luật liên quan, nhưng thực tiễn triển khai trong thời gian qua còn nhiều hạn chế.

Giám sát, phản biện đôi khi còn mang tính hình thức, né tránh. Trong một số trường hợp, ý kiến sau giám sát của MTTQ Việt Nam chưa được các cơ quan chức năng tiếp thu nghiêm túc, do thiếu cơ chế theo dõi, đôn đốc và yêu cầu giải trình, xử lý đến cùng.

Để nâng cao hiệu lực thực thi của giám sát và phản biện, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, đề xuất sửa đổi Luật MTTQ Việt Nam theo hướng quy định rõ hơn cơ chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp với các tổ chức thành viên cùng cấp. Cần phân định rõ tổ chức nào chủ trì, tổ chức nào phối hợp trong từng lĩnh vực cụ thể.

Đồng thời, phải thiết lập cơ chế pháp lý buộc các cơ quan nhà nước có trách nhiệm tiếp thu, giải trình nghiêm túc các kiến nghị sau giám sát và phản biện. Thậm chí, có thể bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình, theo dõi, đôn đốc vào Điều 9 của Hiến pháp hoặc cụ thể hóa trong các luật chuyên ngành như Luật MTTQ Việt Nam, Luật Công đoàn...

Ngoài ra, để đảm bảo tính khả thi trong hoạt động giám sát, phản biện, cần bổ sung quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước. Cùng với đó là tăng cường nguồn lực (về con người, tài chính) để các hoạt động này được thực hiện thường xuyên và đảm bảo có chất lượng, tạo được tác động thực sự.

Nhiều ý kiến góp ý cũng đồng tình với quy định trong dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, là chỉ trao quyền MTTQ Việt Nam trình dự án luật, pháp lệnh. Các tổ chức thành viên không còn quyền độc lập trình dự án luật, pháp lệnh như trước. Điều này phù hợp với chủ trương tinh gọn đầu mối, đề cao vai trò trung tâm của MTTQ Việt Nam trong việc đại diện cho tiếng nói chung của nhân dân và các tổ chức xã hội.

Ngoài ra, Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) cần quy định trách nhiệm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc chủ động tiếp nhận các sáng kiến lập pháp từ tổ chức thành viên, nghiên cứu và khi thấy phù hợp thì thực hiện quyền trình dự án luật theo thẩm quyền.

Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Ung Thị Xuân Hương góp ý, nếu bỏ thẩm quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội thì cần bổ sung các quy định cụ thể về cơ chế xử lý khi các tổ chức này có đề xuất lập pháp. Điều này giúp bảo đảm không làm triệt tiêu vai trò đại diện của các tổ chức thành viên, mà vẫn bảo đảm sự tập trung, thống nhất trong quy trình xây dựng pháp luật.

Đến nay, hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở các tỉnh, thành phố đã tổ chức hơn 6.558 hội nghị, ghi nhận hơn 717.000 lượt ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Hơn 99% ý kiến bày tỏ sự tán thành với dự thảo.

Tin cùng chuyên mục