Sẵn sàng để TPHCM mới vận hành thông suốt các hệ thống thông tin

Việc hợp nhất tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM sẽ mở ra không gian, cơ hội để TPHCM mới tiếp tục phát triển; nhưng cũng sẽ có không ít thách thức cho nền hành chính trong phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phóng viên Báo SGGP đã phỏng vấn bà Võ Thị Trung Trinh (ảnh), Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM, về công tác chuẩn bị các hệ thống, phục vụ vận hành TPHCM mới trên nền tảng số.

$3b.jpg

PHÓNG VIÊN: Thưa bà, việc triển khai các hệ thống, phần mềm dùng chung, kết nối chia sẻ dữ liệu của các cơ quan, đơn vị trên phạm vi TPHCM được chuẩn bị như thế nào?

Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH: Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM (gọi tắt là Trung tâm) xác định việc triển khai hệ thống, phần mềm dùng chung là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM mới. Do đó, Trung tâm đã phối hợp với Sở KH-CN của TPHCM và tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai các hệ thống dùng chung, bảo đảm tính liên thông và vận hành đồng bộ giữa 3 địa phương.

Hiện nay, Trung tâm đang tập trung tích hợp và triển khai thống nhất các phần mềm như: tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), quản lý văn bản, hệ thống truyền hình trực tuyến, hệ thống xử lý phản ánh kiến nghị... Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP), giúp giảm thời gian xử lý, hạn chế giấy tờ, đồng thời tăng minh bạch, thuận tiện trong quá trình cung cấp dịch vụ công.

Đặc biệt, Trung tâm đang tích cực phối hợp với Trung tâm Dữ liệu quốc gia để kết nối các nền tảng này với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thuế, bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp… Việc này nhằm giúp tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian phục vụ người dân, doanh nghiệp.

$3a.jpg
Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM tập huấn trực tuyến sử dụng phần mềm dùng chung trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: ĐÔNG SƠN

Hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các TTHC trực tuyến của người dân, doanh nghiệp. Trung tâm làm thế nào để hệ thống vận hành thông suốt trên toàn thành phố mới?

Việc hợp nhất 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh để hình thành TPHCM mới, song hành với xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đặt ra yêu cầu phải đảm bảo vận hành hệ thống giải quyết TTHC thông suốt để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Vì vậy, Trung tâm đã triển khai nhiều nội dung nhằm vận hành hệ thống thông suốt, hiệu quả trên toàn TPHCM mới. Trong đó có việc chuẩn hóa và tích hợp quy trình, cấp mã định danh và chuẩn bị tài khoản cho 168 đơn vị hành chính cấp xã, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật…

Cụ thể, Trung tâm rà soát toàn bộ danh mục TTHC, chuẩn hóa quy trình xử lý hồ sơ theo hướng liên thông giữa 2 cấp chính quyền địa phương. Trung tâm phối hợp với các sở, ngành triển khai cấu hình quy trình điện tử và tích hợp vào hệ thống dùng chung.

Đồng thời, cấp mã định danh, tài khoản truy cập và phân quyền sử dụng hệ thống cho 168 đơn vị hành chính cấp xã mới của TPHCM sau sắp xếp, để sẵn sàng vận hành ngay sau khi sáp nhập. Trung tâm cũng kiểm tra, nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu mở rộng địa giới hành chính, đảm bảo hệ thống không bị gián đoạn khi mở rộng quy mô phục vụ.

$1d.jpg
Công chức, viên chức UBND quận 12 (TPHCM) tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH

Trung tâm cũng tổ chức tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo năng lực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trong giai đoạn chuyển tiếp được duy trì thông suốt, không ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Thực tế việc ứng dụng khoa học công nghệ giữa 3 địa phương hiện tại đang có những khoảng cách nhất định. Trung tâm có giải pháp gì trong đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, cũng như phát triển hạ tầng công nghệ thông tin?

Chúng tôi xác định yếu tố con người là then chốt trong chuyển đổi số. Do đó, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức được xây dựng theo lộ trình rõ ràng, phù hợp với đặc thù từng địa phương sau sáp nhập.

Các chương trình đào tạo tập trung vào kỹ năng sử dụng hệ thống thông tin giải quyết TTHC, quản trị dữ liệu, kỹ năng số cơ bản và nâng cao. Việc tổ chức linh hoạt dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến, kết hợp hướng dẫn thực tế tại đơn vị nhằm đảm bảo hiệu quả tiếp cận và thực hành.

Song song với nâng cao năng lực con người, Trung tâm cũng phối hợp với các địa phương rà soát và đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin. Các hạng mục như đường truyền, thiết bị, hệ thống lưu trữ và bảo mật được triển khai đồng bộ để đảm bảo tính ổn định, an toàn và đáp ứng yêu cầu vận hành thống nhất các nền tảng số trên toàn địa bàn thành phố mới.

TPHCM mới có diện tích lớn, dân số đông thì sẽ có sự đổi mới, đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ công trực tuyến ra sao để người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công trực tuyến một cách thuận tiện?

Việc sáp nhập tạo ra một thành phố có quy mô dân số lớn và địa bàn rộng. Điều đó đòi hỏi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ công phải được đổi mới toàn diện, linh hoạt và lấy người dân làm trung tâm. Trung tâm định hướng phát triển hệ sinh thái dịch vụ công trực tuyến đa nền tảng, đa kênh - bao gồm Cổng dịch vụ công thành phố, ứng dụng công dân số, tổng đài hỗ trợ, mã QR cá nhân - nhằm mở rộng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi.

Song song đó, dự kiến thành phố sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cơ sở trong giải quyết TTHC, đồng thời ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, tự động gợi ý dịch vụ phù hợp, rút ngắn thời gian xử lý và tăng tính minh bạch.

Tất cả những đổi mới này hướng tới mục tiêu xây dựng một chính quyền số thân thiện, hiệu quả, mang đến trải nghiệm dịch vụ công trực tuyến thuận tiện, minh bạch và phù hợp với nhu cầu của từng cá nhân, tổ chức trên toàn địa bàn TPHCM mới.

Tin cùng chuyên mục