Trà Vinh là tỉnh có đông người Khmer sinh sống, hiện bà con chuẩn bị đón tết Chol Chnam Thmây 2013 (từ 14 đến 16-4). Các xã Nhị Trường, Trường Thọ, Kim Hòa (huyện Cầu Ngang); Ngọc Biên, Tân Hiệp, Phước Hưng (huyện Trà Cú), đang thu hoạch lúa trúng mùa, giúp nhiều hộ đón tết thêm vui.
Lúa xuân vui tết
Hơn 30 năm trồng lúa, nhưng chưa bao giờ ông Kiên Cợt, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang thắng lớn như năm nay. Nhờ thâm canh, ứng dụng kỹ thuật nên năng suất lúa đông xuân 2012-2013 đạt hơn 7 tấn/ha. Ông Kiên Cợt chia sẻ: “Vùng đất chết Trường Thọ trước đây chỉ sản xuất được 2 vụ lúa hè thu và thu đông, trong điều kiện khắc nghiệt về thủy lợi. Nông dân bắt đầu trồng lúa đông xuân cách đây 5 năm, lúc đầu năng suất không cao, chỉ 2 năm gần đây mới trúng. Lúa đạt năng suất từ 6-7 tấn/ha. Hiệu quả từ lúa đông xuân góp phần tăng thêm thu nhập nông dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo. Riêng Chol Chnam Thmây năm nay bà con trúng mùa, đón tết vui vẻ hơn”. Còn nông dân Thạch Na Ry, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang kể: “Lúa đông xuân cho năng suất hơn 7 tấn/ha, thu hoạch muộn nên thương lái mua giá 5.200- 5.400 đồng/kg. Canh tác 1ha lúa nông dân thu lãi từ 15 - 22 triệu đồng, có tiền đón tết sung túc”.
Theo phòng NN-PTNT huyện Cầu Ngang, năm 2009, nông dân Cầu Ngang sản xuất thử nghiệm thành công lúa đông xuân với năng suất hơn 5 tấn/ha. Năm 2012, diện tích được mở rộng lên 850ha, sản lượng lúa 4.670 tấn, chỉ tính giá lúa 5.000 đồng/kg nông dân thu nhập tăng thêm hàng chục tỷ đồng. Nếu so với năm 2009, năm 2013 diện tích lúa đông xuân phát triển gấp 100 lần, từ 35ha lên 3.555ha, tập trung chủ yếu ở các xã Trường Thọ, Nhị Trường, Hiệp Hòa, Kim Hòa… với các loại giống lúa phục vụ xuất khẩu. Phát triển thêm diện tích lúa đông xuân đang mở ra triển vọng xóa đói giảm nghèo ở huyện Cầu Ngang, nhất là các xã có đông bà con Khmer…
Mở lối thoát nghèo...
Kỹ sư Nguyễn Đức Mậu, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thọ - xã có hơn 70% hộ dân tộc Khmer, tâm sự: “Trước đây nông dân chỉ sản xuất được 2 vụ lúa/năm. Mùa khô, thiếu nước nên phần lớn bỏ đất hoang. Ngày nay, vùng đất khó này là điểm sáng khởi đầu phong trào sản xuất lúa đông xuân. Cây lúa đang góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống bà con Khmer ở xã nghèo này”.
Mở rộng diện tích sản xuất lúa đông xuân đã đánh thức “vùng đất chết” ở các xã vùng sâu, nơi có đông người Khmer sinh sống. Thấy được tiềm năng và lợi ích kinh tế việc mở rộng diện tích lúa đông xuân, lãnh đạo huyện Cầu Ngang đang đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ vốn, giống… để địa phương mở rộng diện tích canh tác, xây dựng đề án nâng cấp hệ thống thủy lợi nhằm chủ động nguồn nước tưới tiêu, cơ cấu lại mùa vụ sản xuất phù hợp. Dự kiến tới đây huyện Cầu Ngang sẽ nâng diện tích canh tác lên hàng chục ngàn hécta so với hiện nay và hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao gấp nhiều lần so với sản xuất 2 vụ lúa như trước đây. Mục tiêu nhằm góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con Khmer ở vùng sâu Trà Vinh.
ĐÌNH CẢNH