Ngày 28-9, tại Thành Điện Hải (Đà Nẵng), Hội Khoa học Lịch sử (KHLS) TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha, 1858-1860”.
Nguyễn Tri Phương là danh tướng triều Nguyễn, cuộc đời trận mạc của ông trải dài khắp đất nước: chỉ huy chiến đấu bảo vệ Sài Gòn từ năm 1860 đến năm 1861, chỉ huy chiến đấu tử thủ Hà Nội năm 1873… nhưng tên tuổi của ông được lưu danh thiên cổ, khẳng định tài năng và nghệ thuật quân sự của ông, có lẽ đó là cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ năm 1858 - 1860 trên mặt trận Đà Nẵng.
Pháp bị đội quân của Nguyễn Tri Phương “cầm chân” đến mức rơi vào bế tắc và chấp nhận rút toàn bộ quân đội viễn chinh khỏi Đà Nẵng vào 23-3-1860. Suốt 52 năm làm quan, trải qua 3 đời vua Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Nguyễn Tri Phương luôn thể hiện tấm lòng trung quân ái quốc và ý chí chống giặc ngoại xâm, đồng thời phát triển kinh tế, quốc phòng như việc mở đồn điền ở biên giới phía Tây Nam. Chủ trương mở các đồn điền vừa là phát triển kinh tế vừa có ý nghĩa về mặt chiến lược quân sự. Ông là người có công lớn trong việc bình Xiêm, ổn định biên giới phía Nam; đánh dẹp các lực lượng thổ phỉ Trung Quốc ở các tỉnh phía Bắc; là vị tướng chỉ huy tối cao ở các mặt trận chống quân Tây dương xâm lược tại Đà Nẵng, Nam Kỳ và Hà Nội...
NGUYÊN KHÔI