Hóa ra lũ trẻ thành phố học lớp 5 bây giờ không đứa nào phân biệt được con xén tóc với con bọ dừa. Bố mẹ chúng cũng chẳng hơn gì. Nhìn thấy con cà cuống là chúng hét váng lên: “Sao con gián ở đâu biến đổi gien mà to thế?”.
Lũ trẻ thành phố những năm 60 của thế kỷ trước thật là may mắn. Thành phố vẫn còn rất nhiều dấu vết của làng mạc. Hoặc ít nhất thì làng mạc vẫn còn liền kề ngay khu trung tâm. Côn trùng trong thành phố là cả một thế giới say mê của lũ trẻ.
Bắt đầu từ mùa xuân, khi cây cối trong phố rực rỡ đâm chồi nảy lộc. Những con xén tóc chấm hoa đã vo ve trên những cội phượng già li ti lá mới. Những con bọ dừa nâu có đôi cánh mượt như nhung bắt đầu ồn ào trong những vườn chuối ven sông. Chập tối chúng lao vào những tàu chuối thùm thụp như ma đấm lưng. Châu chấu non xanh biếc nhảy như rắc cốm trên bờ đê mướt cỏ. Chuồn chuồn kim ngái ngủ chập chờn cánh mỏng trong khắp các vườn hoa, bãi cỏ công viên.
Cuối tháng tư rộn rã tiếng ve sầu. Từng đợt nối dài đuổi nhau như sóng trên những con đường nhiều cây cổ thụ. Những con cánh cam ánh xanh trên tán lá bàng thỉnh thoảng giật mình rơi xuống đất rung cánh xoay vòng cuống quýt. Cây roi sân chùa trổ hoa trắng chi chít đàn kiến đen kiếm mồi. Lũ ong tìm mật trên những vòm hoa sấu rậm rì tao nhã mùi hương. Những con sâu róm sặc sỡ luồn lách trong giàn nho trên sân thượng. Chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn ớt lửng lơ chao nắng trên mặt hồ lăn tăn sóng.
Đám trẻ ấy có vài năm giữa thập niên 1960 phải sơ tán về các làng quê quanh thành phố. Côn trùng ở nông thôn khá nhiều loài kỳ lạ là đồ chơi suốt ngày không biết chán. Con tò vò xanh dùng làm “chó săn” buộc chỉ thả vào tổ dế lôi lên những con dế vàng ươm. Dế mèn bắt về nuôi vào hũ mang đi chọi. Buổi đêm gáy ran nhà. Chuồn chuồn bắt được xé giấy hình bướm luồn vào cánh cho bay thi trắng đường. Buộc chỉ vào cổ con bọ dừa cho quay tít như quạt trần. Không chỉ là đồ chơi, vài loài côn trùng còn là thức ăn ưa thích của lũ trẻ. Châu chấu, cào cào, muồm muỗm rang muối lá chanh ăn với cơm chan nước rau luộc. Cà cuống nướng cho vào bát nước mắm giấm ăn bún ngon tuyệt. Hơn hết vẫn là con nhộng tằm quen thuộc đã được ăn ở thành phố.
Thành phố cũng như nông thôn những năm ấy rất nhiều côn trùng có hại sinh sống. Ruồi đen kịt trong các chợ, cửa hàng thực phẩm. Vùng Tây Tựu ven nội thành cỗ bàn thường phải mắc màn trên giường để cất đồ ăn chờ khách. Đặt đĩa xôi trắng lên ban thần linh ở Nghĩa trang Văn Điển chỉ vài phút là trông như xôi đậu đen, không ai dám mang về. Các vùng cửa ô như Cầu Dền, Đống Mác, Cầu Giấy nhiều ngòi rãnh ao chuôm, muỗi đông đến mức khách ghé thăm nhà phải mời chui vào màn ngồi nói chuyện.
Thuốc trừ sâu cho nông thôn và thuốc diệt ruồi muỗi cho thành phố khan hiếm cho đến tận đầu những năm 1980. Lúc ấy sân bay Nội Bài mắc những chiếc đèn cao áp đầu tiên ở Hà Nội. Tháng chín lên đấy đón người thân, đám thanh niên bắt được cả chục cân cà cuống bay. Mang về đồ chín uống rượu mấy ngày không hết. Giờ thì mọi chuyện khác xa rồi. Người quê cũng hiếm khi nhìn thấy con cà cuống ngoài ruộng. Hàng bánh cuốn ở phố bán cà cuống bằng đơn vị đo lường rất lạ. Gọi là “một đũa”. Năm chục ngàn một đầu đũa nhúng vào lọ tinh dầu cà cuống để khỏa vào bát nước chấm. Đũa chấm cà cuống chỉ nhỏ bằng chiếc kim đan len ngày trước và hình như càng ngày càng nhỏ hơn. Côn trùng đã trở thành món ăn đặc sản ở vài quán nhậu trong thành phố. Đủ cả châu chấu, chuồn chuồn, ve sầu, dế, bọ cạp, ong, kiến, cà cuống, đuông dừa, sâu chít, sâu măng... Lạ nhất con bọ xít hôi mùi lại là món ngon tuyệt.
Rất ít nhà còn phải mắc màn đi ngủ. Cây cối chẳng ai phun thuốc sâu nhưng hình như sâu bọ cũng hiếm. Những chiếc lá bàng lành lặn cho đến tận khi rụng đỏ đường. Tiếng ve thưa thớt vài ngày đầu tháng 5 cũng chỉ nghe thấy vào lúc tảng sáng. Ban ngày chúng bị át giọng bởi hàng triệu xe máy và ô tô gào thét phun khói trên đường. Những bọ dừa, cánh cam, xén tóc, bổ củi, dế trũi lâu lắm rồi không thấy. Tục cúng bái ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hầu như đã bỏ hẳn. Không còn sâu bọ, ngày Đoan Ngọ không mang ý nghĩa tết “giết sâu bọ” của người Việt nữa.
ĐỖ PHẤN