Hôm nay, xét xử “đại án” tham nhũng ở Vinalines

Hôm nay 12-12, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân TP Hà Nội bắt đầu phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ kéo dài tới ngày 14-12, chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Ngô Thị Ánh.

(SGGP).- Hôm nay 12-12, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân TP Hà Nội bắt đầu phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ kéo dài tới ngày 14-12, chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Ngô Thị Ánh.

Đây là một phiên tòa được dư luận đặc biệt quan tâm bởi các bị cáo bị đưa ra xét xử đều từng có thời gian giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan nhà nước và hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho đất nước. Hơn nữa, đây cũng là một trong 10 vụ án tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian gần đây.

Theo đó, 10 bị cáo phải hầu tòa gồm: Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines), Mai Văn Phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines), Trần Hữu Chiều (cựu Phó tổng giám đốc kiêm Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy tàu biển phía Nam - mua ụ nổi 83M), Bùi Thị Bích Loan (cựu kế toán trưởng Vinalines), Lê Văn Dương (đăng kiểm viên, Cục Đăng kiểm – Bộ GTVT), Mai Văn Khang (cán bộ Ban quản lý dự án Vinalines), Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức (cán bộ Chi cục Hải quan Tân Phong, tỉnh Khánh Hòa), Trần Hải Sơn (cựu Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines).

Dự kiến có 14 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại tòa. Riêng bị cáo Dương Chí Dũng có 3 luật sư tham gia bào chữa, gồm: Ngô Ngọc Thủy, Trần Đại Thắng và Trần Đình Triển.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong cáo trạng truy tố các bị cáo trên đã nêu rõ, trong phi vụ mua ụ nổi 83M phục vụ việc sửa chữa tàu biển của dự án Nhà máy tàu biển phía Nam, Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm đã gây thất thoát hơn 330 tỷ đồng của nhà nước và tham ô số tiền hơn 1,6 triệu USD chia chác nhau. Trong đó, Dương Chí Dũng với vai trò chủ mưu đã chỉ đạo thực hiện hành vi làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế và tham ô tài sản. Cá nhân Dũng trục lợi được 10 tỷ đồng, Mai Văn Phúc hưởng 10 tỷ đồng, Trần Hải Sơn gần 6 tỷ đồng và Trần Hữu Chiều hơn 340 triệu đồng. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng xác định, các bị can trong vụ án có nghĩa vụ bồi thường số tiền 339 tỷ đồng.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục