Các đơn vị này đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ công, phát triển nguồn thu.
Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp cũng đã tiết kiệm được 10% khoản chi hoạt động thường xuyên ngân sách nhà nước giao, góp phần bù đắp một phần nhu cầu tiền lương tăng thêm theo quy định của Chính phủ. Từ đó, thu nhập tăng thêm của cán bộ, viên chức bình quân khoảng 0,5 - 1,5 lần tiền lương cấp bậc của đơn vị. Riêng một số đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đại học đã tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động khoảng 2 - 3 lần.
Luật hóa việc tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nghiệp, doanh nhân
Hiện nay, quá nhiều đơn vị, tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng không đúng chức năng, nhiệm vụ hoặc lĩnh vực hoạt động, không có thẩm quyền, dẫn đến một số doanh nghiệp, doanh nhân thành tích không tiêu biểu, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nhưng vẫn đóng tiền để được tặng giải thưởng, gây hiểu lầm về chất lượng sản phẩm, hiệu quả hoạt động nhằm lừa dối người tiêu dùng để thu lợi bất chính… Do vậy, Bộ Nội vụ đang trình dự thảo và lấy ý kiến nhân dân về nghị định quy định về quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp.
Theo dự thảo, mỗi bộ ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tối đa 2 giải thưởng hoặc danh hiệu phạm vi toàn quốc. Giải thưởng cấp toàn quốc được tổ chức 3 năm/lần; thời gian tổ chức cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 2 năm/lần. Đối với doanh nghiệp, doanh nhân, trong 1 năm chỉ tham dự 1 danh hiệu hoặc giải thưởng, phải thực hiện đúng các điều kiện theo ngành, nghề đã đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp tham gia giải thưởng phải thực hiện đúng pháp luật, có doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, thu nhập người lao động năm sau cao hơn năm trước. Doanh nghiệp, doanh nhân có thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc điều hành, quản lý doanh nghiệp từ 5 năm trở lên mới được tham gia xét giải thưởng cấp toàn quốc và 3 năm trở lên mới được tham gia xét giải thưởng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Quyết định số 1158/QĐ-NHNN về tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Hợp tác xã áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tương ứng với từng loại tiền gửi như sau: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 3% (trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc), tiền gửi bằng VND kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 1%.
Tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng ở nước ngoài là 1%; tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 7%; tiền gửi bằng ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác kỳ hạn từ 12 tháng trở lên là 5%.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các loại hình tổ chức tín dụng khác không thay đổi so với hiện nay, vẫn là 3% đối với tiền VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng và 1% đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.