Tuy nhiên, hiện nay chỉ mới có những doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, ít rủi ro áp dụng hóa đơn điện tử, tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM.
Được biết, việc áp dụng hóa đơn điện tử được Bộ Tài chính triển khai từ năm 2014. Khi đó chỉ mới khuyến khích một số doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa đơn giấy, có hạ tầng công nghệ thông tin, tuân thủ pháp luật thuế để áp dụng hóa đơn điện tử như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn - Hà Nội... Theo đánh giá của các doanh nghiệp, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã giúp khách hàng thuận tiện trong thanh toán. Việc lưu trữ cũng tự động hóa trên mạng, tạo thuận tiện không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả khách hàng. Cụ thể, khách hàng có thể truy cập vào website của công ty để xem và tải hóa đơn khi cần; không phải lưu trữ, bảo quản hóa đơn, tránh rủi ro mất hóa đơn; doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vì không phải in ra giấy.
Về hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết hiện nay gần 100% doanh nghiệp đang hoạt động đã khai thuế qua mạng; trong số đó hơn 95% doanh nghiệp nộp thuế bằng phương thức điện tử, nhiều hộ kinh doanh đã sử dụng máy tính tiền, có kết nối với cơ quan thuế. Do đó, việc áp dụng hóa đơn điện tử rộng rãi trên phạm vi cả nước càng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.