(SGGP).- Ngày 15-9, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) Trung ương cho biết, do mưa lũ trên diện rộng trong những ngày qua, đặc biệt là ở Bắc miền Trung, đã làm 74.128ha lúa mùa chìm trong nước và có nguy cơ mất trắng. Trong đó, tỉnh Thái Bình có 22.599ha bị ngập, tỉnh Nam Định 22.700ha, Thanh Hóa 12.525ha, Nghệ An 13.905ha, Bình Thuận 190ha, Ninh Bình 1.817ha, Hà Tĩnh 92ha. Ngoài ra, mưa lũ còn làm ngập 11.766ha hoa màu.
Ở khu vực Tây Bắc bộ, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi mưa lũ nhẹ hơn song cũng đã xảy ra thiệt hại. Theo Ban chỉ huy PCLB tỉnh Lào Cai, những ngày qua, trên địa bàn các huyện Sa Pa, Văn Bàn đã xảy ra mưa to, dông lốc làm tốc mái 17 ngôi nhà, 7 nhà khác bị ảnh hưởng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết phức tạp, mưa to kéo dài ở Bắc Trung bộ và Bắc bộ còn kéo dài thêm nhiều ngày nữa. Hiện nay, tại Bắc Trung bộ đang xuất hiện một rãnh áp thấp có trục có xu hướng nâng dần lên phía Bắc.
Trong khi khoảng ngày 18-9, sẽ có một bộ phận không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống nước ta, kết hợp với rãnh áp thấp gây ra hiện tượng mưa lũ, giông lốc kéo dài và trên diện rộng. Ở Nam bộ, trong vài ngày tới mưa cũng diễn ra phổ biến do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam mạnh dần.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), hiện tại các hồ chứa ở miền Bắc vẫn ổn định, một vài hồ chứa ở miền Trung đã xả tràn do mưa lớn. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó mưa lũ, đồng thời cứu lúa mùa của nông dân, các địa phương cần chủ động điều tiết, tiêu rút nước, để tránh xảy ra ngập úng.
Ngày 15-9, tiến sĩ Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: Hiện toàn tỉnh có hơn 1.600ha lúa thu đông bị ngập trong lũ, trong đó có gần 400ha mất trắng. Gần 8.500ha lúa khác bị lũ đe dọa và có nguy cơ bị lũ nhấn chìm trong vài ngày tới vì đập Tha La và Trà Sư (An Giang) tiến hành xả lũ.
Lúc 9 giờ ngày 15-9, tỉnh An Giang đã tiến hành xả lũ tại 2 đập Tha La, Trà Sư. Mục tiêu chính là đưa lũ từ thượng nguồn vào sâu vùng trũng tứ giác Long Xuyên tháo chua, rửa phèn, vệ sinh đồng ruộng trong bối cảnh nhiều dịch bệnh gây hại mùa màng, bồi đắp phù sa trước khi thoát nhanh ra biển Tây; giảm áp lực ngập sâu lũ trên đồng, bảo vệ an toàn 130.000ha lúa vụ 3. Việc xả lũ còn tạo điều kiện đón nguồn lợi thuỷ sản dồi dào từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về vùng trũng Tứ giác Long Xuyên, rộng gần 180.000ha thuộc 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang.
Đợt xả lũ năm nay muộn hơn 10 ngày so với trung bình nhiều năm do ảnh hưởng lũ thượng nguồn về trễ. Ngay thời điểm xả lũ, mực nước vùng trên đập là 3,9m, vùng dưới lũ là 2,5m, chênh lệch 1,4m. Với mức xả lũ đạt 100.000m3/giây, dự kiến trong 3 ngày tới độ chênh lệch này chỉ còn 0,3m. Trước thời điểm xả lũ đập Tha La và Trà Sư, các địa phương đã phối hợp với ngành chức năng thông báo cụ thể để nhân dân chủ động phòng tránh…
Nhóm PV