Hơn 860 triệu học sinh toàn thế giới bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19

 Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cả về kinh tế, xã hội lẫn giáo dục khi các nước buộc phải thực hiện những biện pháp phòng chống quyết liệt, trong đó có việc đóng cửa trường học. 
Lớp học trực tuyến vẫn chỉ là giải pháp tình huống. Ảnh: OLC
Lớp học trực tuyến vẫn chỉ là giải pháp tình huống. Ảnh: OLC

Theo thống kê của UNESCO, tính tới ngày 18-3, 119 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải đóng cửa trường học nhằm tránh lây lan dịch Covid-19. Trong đó, 107 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện việc đóng cửa trường học toàn bộ, ảnh hưởng tới 861,7 triệu học sinh, sinh viên. Con số này có thể tiếp tục tăng thêm khi việc tạm thời đóng cửa trường học được triển khai tại 12 quốc gia khác.

Hệ lụy không nhỏ

 Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều hệ lụy cả về kinh tế, xã hội lẫn giáo dục khi các nước buộc phải thực hiện những biện pháp phòng chống quyết liệt, trong đó có việc đóng cửa trường học. Một nghiên cứu cho thấy việc đóng cửa các trường học và trường mẫu giáo ở Mỹ trong 1 tháng gây thiệt hại tương đương 0,1%-0,3% GDP. Tại Nhật Bản, không phải tất cả phụ huynh đều được phép làm việc tại nhà.

Tại Italy, 1/5 người lao động là tự làm chủ và do đó họ phải tự chịu chi phí khi nghỉ. Những người làm các công việc không ổn định có thể mất việc nếu phải ở nhà trông con. Trong khi đó, đối với trẻ em nghèo, trường học lại là nơi cung cấp bữa ăn dinh dưỡng nhất trong ngày. Khoảng 26 triệu học sinh tại các trường học ở Mỹ được hưởng những suất ăn trưa miễn phí hoặc giảm giá.

Trường học đóng cửa kéo dài sẽ ảnh hưởng tới việc học tập và thi cử, đặc biệt là những học sinh cuối cấp chuẩn bị bước vào các kỳ thi quan trọng. Cao khảo, kỳ thi đại học quan trọng tại Trung Quốc thường được tổ chức vào tháng 6 song có nguy cơ bị lùi lại. Trong khi tại Anh, kỳ thi A-levels có ý nghĩa quyết định tới việc xét tuyển đại học vào tháng 5 và 6 cũng có khả năng bị hoãn, ảnh hưởng tới khoảng 245.000 học sinh.

Bài toán nan giải

 Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, việc các trường trên thế giới áp dụng mô hình dạy - học trực tuyến mang lại một số lợi ích thiết thực. Giáo viên và học sinh - sinh viên có thể yên tâm ở nhà học tập và làm việc, không phải ra ngoài trong mùa dịch và hạn chế tối đa việc tiếp xúc, qua đó giúp phòng dịch hiệu quả hơn. Điều này giúp đảm bảo được sức khỏe cho cả người học cũng như người dạy. Ngoài ra, việc học trực tuyến cũng đảm bảo quyền lợi được học tập, tiếp thu kiến thức, giao tiếp với thầy cô, bạn bè của học sinh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc học trực tuyến vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn hình thức học trực tiếp.

Một cuộc khảo sát do ứng dụng Teacher Tapp thực hiện đối với hơn 6.000 giáo viên ở Anh cho thấy chỉ 40% trong số họ làm việc tại các trường công lập có thể đăng tải một bài học bằng video.

Tổ chức New America cho biết rất ít tiểu bang ở Mỹ sở hữu trang thiết bị đầy đủ để giảng dạy trực tuyến. Hầu hết các bang không có sự chuẩn bị tốt cho tình huống phải dạy học trực tuyến hoàn toàn khi dịch Covid-19 bùng phát. Điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau. Không phải học sinh nào cũng có đường truyền Internet hay các thiết bị để học trực tuyến như máy tính, máy tính bảng kết nối wifi. Tại Mỹ, khoảng 7 triệu học sinh không thể tiếp cận Internet tại nhà. 

Một bất cập lớn nữa của việc dạy học từ xa chính là phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh. Nhiều giáo viên đang loay hoay không biết nên dùng hình thức kiểm tra nào để đánh giá chính xác nhất trình độ của học sinh bởi khi cho học sinh làm bài kiểm tra từ xa thì rất khó kiểm soát việc các em trao đổi bài online với nhau. Do đó, việc thiết kế hình thức kiểm tra sao cho có thể tránh gian lận cũng là một vấn đề nan giải.

Thủ hiến bang Bayern Markus Soder thông báo bắt đầu từ 0 giờ ngày 21-3, lệnh giới nghiêm toàn bang sẽ được áp đặt và lệnh này sẽ kéo dài 14 ngày. Đây là bang đầu tiên của Đức áp đặt lệnh giới nghiêm quy mô toàn bang để ứng phó với sự lây lan của Covid-19.

Cùng ngày, các nhà quản lý Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra về việc các sản phẩm hỗ trợ phòng ngừa lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19 bị làm giả, làm nhái xuất hiện tràn lan tại nhiều nước thành viên gồm: khẩu trang, thiết bị y tế, dung dịch sát khuẩn…

Theo Sputnik, Trung tâm khoa học nhà nước về công nghệ sinh học và virus học Vector trực thuộc Rospotrebnadzor (Cơ quan Giám sát và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga) thông báo các nhà khoa học Nga bắt đầu thử nghiệm các mẫu vaccine phòng ngừa virus SARS-CoV-2. Trước đó các nhà khoa học Nga đã giải mã bộ gen hoàn chỉnh đầu tiên của virus SARS-CoV-2.

Tin cùng chuyên mục