Triển khai nay đã hơn 15 năm, chương trình hợp tác phát triển giữa TPHCM với các tỉnh, thành ĐBSCL, giữa TPHCM với Cần Thơ đã đạt nhiều hiệu quả thiết thực, là hướng đi đúng và tất yếu. Thông qua liên kết, hợp tác, các doanh nghiệp ở TPHCM có cơ hội mở rộng đầu tư, kinh doanh, vùng sản xuất nông sản ĐBSCL tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển giữa hai vùng kinh tế.
Thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh CAO PHONG
Mở rộng đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
ĐBSCL có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh của cả nước. Hàng năm, ĐBSCL đóng góp khoảng 18,5% GDP của cả nước, chiếm 50% sản lượng trái cây, hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu và gần 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Với quy mô dân số hơn 17,5 triệu người, ĐBSCL vừa là vùng sản xuất, vừa là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng khi chiếm khoảng 20% thị phần bán lẻ cả nước.
TPHCM hiện là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TPHCM giữ vị trí cửa ngõ giao thương, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và lan tỏa đến các vùng lân cận, trong đó có các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, ĐBSCL có rất nhiều cơ hội phát triển thông qua các hợp tác, liên kết với TPHCM và các địa phương thuộc các vùng kinh tế cả nước. Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND TPHCM, từ năm 2001 đến nay, nhiều chương trình hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, du lịch giữa TPHCM với các địa phương ĐBSCL đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng.
Cụ thể, TPHCM và các tỉnh, thành ĐBSCL đã cùng phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và từng bước chuyển giao ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; đầu tư phát triển vùng lúa thâm canh; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo khoa học về kỹ thuật sản xuất trái cây theo hướng VietGAP; đầu tư xây dựng trại chăn nuôi gia cầm, thủy hải sản tập trung; đầu tư xây dựng các nhà máy; đầu tư các chợ đầu mối nông, ngư nghiệp, gia cầm và trái cây, các trung tâm thương mại (siêu thị), các vùng nguyên liệu nông sản; kết nối cung - cầu; hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với tài nguyên du lịch của ĐBSCL; tăng cường trao đổi thông tin nhanh, định kỳ sinh hoạt giữa các trạm kiểm dịch động, thực vật để chủ động phòng chống dịch bệnh, quản lý chất lượng sản phẩm, chấn chỉnh tình hình xuất nhập nông sản, gia cầm…
Với vị trí trung tâm ĐBSCL, thời gian qua, TP Cần Thơ từng bước phát triển, trở thành đầu tàu cho cả vùng. Trong giai đoạn 2006-2013, các sở, ngành và doanh nghiệp của Cần Thơ và TPHCM đã triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả nhất định trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, có 15 doanh nghiệp của TPHCM đã đăng ký đầu tư các dự án kinh doanh thương mại - dịch vụ, khu đô thị, dân cư ngoài khu công nghiệp tại Cần Thơ với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 84.870 tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 40 dự án của 34 doanh nghiệp TPHCM đầu tư vào các khu công nghiệp tại Cần Thơ với tổng vốn đăng ký đầu tư 278,3 triệu USD (tương đương 5.845 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2014-2020, TPHCM và Cần Thơ xác định tăng cường tiếp xúc, trao đổi, học tập kinh nghiệm quản lý, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh mối liên kết đầu tư, sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh giao thương giữa hai địa phương.
Nhà vườn Cần Thơ thu hoạch bưởi chuyển về TPHCM tiêu thụ. Ảnh: LÊ MINH
Kết nối cung, cầu hàng hóa
Nhận định về Chương trình hợp tác kinh tế toàn diện giữa ĐBSCL và TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết: “Đây là hoạt động liên kết kinh tế mở, nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp tại vùng kinh tế nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Những năm qua, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai đặc biệt trong sản xuất lương thực, chế biến nông thủy sản, hoa quả, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho các địa phương trong khu vực. Vì vậy, việc liên kết giữa TPHCM và vùng ĐBSCL là định hướng đúng đắn và lâu dài”. Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, chính quyền TPHCM cam kết tiếp tục cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các bộ, ngành trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, liên kết là xu thế tất yếu nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của Cần Thơ nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung và TPHCM, giúp Cần Thơ và các tỉnh, thành trong khu vực chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, nâng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ trong cơ cấu GDP của địa phương, góp phần cùng cả nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cần Thơ và ĐBSCL, với tiềm năng, lợi thế và sự cải thiện không ngừng sẽ là điểm đến đầu tư, hợp tác, phát triển khá lý tưởng, an toàn của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của TPHCM. Còn TPHCM sẽ là lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở Cần Thơ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL trong hợp tác phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
Một điểm nhấn trong liên kết giữa ĐBSCL và TPHCM là từ các chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với ĐBSCL. Theo đó, Saigon Co.op đã chủ động kết nối vùng nguyên liệu của các tỉnh với thị trường tiêu thụ TPHCM. Việc thu mua được tổ chức tập trung tại vùng nguyên liệu của các địa phương, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, bảo đảm đầu ra, phân phối đến tất cả các điểm bán hàng trong hệ thống trên cả nước. Bình quân hàng tháng, cả hệ thống Saigon Co.op tiêu thụ các loại nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cung cấp lên đến con số vài chục ngàn tấn, với các mặt hàng chủ yếu là gạo, đường, thịt gia súc, gia cầm, cá và các sản phẩm thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, các loại nông sản khác. Tổng doanh số tiêu thụ bình quân của các hợp tác xã, các hộ nông dân thuộc ngành hàng thực phẩm tươi sống của ĐBSCL thông qua Saigon Co.op lên đến gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Ngày 6-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 593/QĐ-TTg ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Mục đích liên kết nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL và của từng địa phương nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để liên kết hợp tác giữa TPHCM với Cần Thơ, giữa TPHCM với ĐBSCL ngày càng gắn bó, hiệu quả và thiết thực.
Theo thống kê của Sở KH-ĐT TPHCM, trong 12 năm (2001-2013), doanh nghiệp TPHCM đã tham gia đầu tư 23 khu công nghiệp và trên 1.000 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, hạ tầng giao thông, đô thị, khu, cụm công nghiệp và kinh doanh thương mại, dịch vụ tại 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, với tổng vốn đăng ký trên 263.937 tỷ đồng. TPHCM đã tiếp tục ký kết hợp tác toàn diện với 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL giai đoạn từ 2014-2020. Thông qua các Chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung, cầu hàng hóa giữa TPHCM và ĐBSCL, các doanh nghiệp TPHCM đã đầu tư 15 dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Chương trình hợp tác xúc tiến thương mại- đầu tư (thực hiện từ năm 2014 đến nay), giữa TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam đã góp phần quảng bá hình ảnh, đẩy mạnh hoạt động đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực, mở ra nhiều triển vọng hợp tác cho vùng ĐBSCL với các địa phương ngoài vùng. |
TRẦN MINH TRƯỜNG