Hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên trường nghề

Hợp tác quốc tế sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên, người lao động học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực. 
Hội GDNN TPHCM ra mặt Ban hợp tác quốc tế
Hội GDNN TPHCM ra mặt Ban hợp tác quốc tế

Ngày 16-4, Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM (GDNN) tổ chức hội nghị “Kết nối hợp tác quốc tế trong hệ thống GDNN”. Tham dự có lãnh đạo Tổng cục GDNN Bộ LĐ-TBXH và gần 200 đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê của Tổng cục thống kế Bộ KH-ĐT, tính hết năm 2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nữa dân số với tỷ lệ 57,65%). Trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37%. Cụ thể, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%, cao đẳng chiếm 3,82%, trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp là trên 3,08%. Đồng nghĩa với việc, Việt Nam còn đến 77,63% lao động chưa qua đào tạo (chưa có văn bằng chứng chỉ), chưa được công nhận trình độ.

So sánh với các nước trong khối ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ lao động qua đào tạo rất thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, ảnh hưởng đến năng lực cạnh trang quốc gia. Năng suất lao động của ta chỉ bẳng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines; 68,9% của Brunei; 88,7% của Lào; 90% của Myanmar và chỉ cao hơn Campuchia. 

Trong thời gian tới, Việt Nam không có giải pháp, công cụ hữu hiệu nào làm giảm nhanh số liệu về tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo này xuống, phản ảnh đúng thực tế của chất lượng lao động quốc gia thì sẽ càng làm suy giảm uy tín của lực lượng lao động Việt Nam trước các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà sản xuất kinh doanh dịch vụ, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả lao động cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Trong khi đó, chính người lao động cũng sẽ mất lợi thế khi tham gia thị trường lao động, thiếu tự tin, suy giảm động lực phấn đấu, rèn luyện kỹ năng, học tập suốt đời. Từ đó, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp cũng bị suy giảm.

Nhìn nhận thực tế, các chuyên gia lao động và đại diện các trường có chung quan điểm hợp tác quốc tế sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên, người lao động học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề tiệm cận với các nước tiên tiến trên thế giới và khu vực. Hợp tác quốc tế còn là cơ hội để các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp mở rộng thêm nhiều nội dung, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.

Hợp tác quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên trường nghề ảnh 1 Đại diện các trường và cơ sở GDNN ký kết hợp tác với Ban hợp tác quốc tế Hội GDNN TPHCM
Theo Th.S Đỗ Hữu Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, kết nối hợp tác quốc tế là một trong những lĩnh vực khó, nhất là đối với từng trường, cơ sở đào tạo dạy nghề. Do đó, cần xác định nhu cầu của nhà trường, của học sinh; cần phải chọn đối tác, thị trường trọng điểm, tiềm năng, chi phí thấp, chất lượng đào tạo cao trước khi tiến đến ký kết hợp tác và triển khai thực hiện hợp tác giữa 2 bên nhằm mang lại hiểu quả, lợi ích tốt nhất cho người học…
Tương tự, bà Trần Yến Loan - Phó khoa đào tạo Hàn Quốc trường Đại học KHXH-NV TPHCM cho rằng, hội nhập và hợp tác quốc tế đem đến những thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu nhân lực và hoạt động kinh doanh, sản xuất trong thị trường lao động tương lai. Do vậy, hợp tác quốc tế cần hướng đến những quốc gia có nền kỹ thuật hàng đầu, tương lai triển vọng; có hệ thống giáo dục vượt trội, thành tích học tập cao và được công nhận trên toàn thế giới.

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng Cục GDNN, thì cho rằng việc kết nối hợp tác quốc tế sẽ mang đến nhiều thuận lợi, mở ra cơ hội lớn hơn cho người học trong việc lựa chọn hình thức du học tại chỗ với chi phí vừa phải, các cơ sở GDNN có cơ hội tiếp cận các công nghệ giáo dục tiên tiến trên thế giới, có phương thức đào tạo trực tuyến bài bản... Bên cạnh đó, với vai trò phản biện xã hội, từ thực tế triển khai, Hội GDNN TPHCM cần có những góp ý, đề xuất, phản ánh về những khó khăn trong GDNN, từ đó hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế nhằm thu hút người học đến với các trường nghề. 

Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng Cục GDNN cũng khuyến nghị trong quá trình hợp tác quốc tế, các trường nghề cần quan tâm đến hành lang pháp lý, nhà trường cần xác định chiến lược, chính sách cho hoạt động GDNN phải đảm bảo mở, linh hoạt, liên thông với quốc tế. Hợp tác quốc tế phải thúc đẩy phát triển công tác đào tạo nghề của nhà trường nói riêng và Việt Nam nói chung, đồng thời mở ra thêm cơ hội mới cho người học lựa chọn, học tập, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng mới, kỹ năng tương lai mà Việt Nam đang hướng tới…

Dịp này có 9 đơn vị thực hiện ký kết với Ban hợp tác quốc tế Hội GDNN TPHCM gồm: Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn, Công ty Giấc mơ Việt Hàn - Đại diện khảo thí Tiếng Hàn Quốc Klat, Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, Cao đẳng Bách Khoa Sài Gòn, Trung Tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên TPHCM Yes Center, Trung tâm đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn SPTC, Cao đẳng Sài Gòn Gia Định, Trung cấp Nguyễn Tất Thành, Cao đẳng Bách Khoa Nam Sài Gòn.

Ông Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội GDNN TPHCM cho biết, hiện TPHCM có 393 trường, cơ sở giáo GDNN, trong đó có 57 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp, 24 Trung tâm GDNN-GDTX, 248 Trung tâm GDNN và cơ sở hoạt động GDNN.

Hơn 1 năm qua dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nhưng công tác tuyển sinh của hệ thống GDNN TPHCM vẫn giữ được sự ổn định, tuyển sinh đào tạo đạt hơn 450.000 sinh viên, học viên.

Bên cạnh đó, riêng trong năm 2020, các cơ sở GDNN đã đào tạo và cung cấp cho thị trường gần 142.000 người học sau tốt nghiệp các trình độ; tỷ trọng nguồn nhân lực sau đào tạo GNDN ở các nhóm ngành, nghề trọng yếu của TPHCM lần lượt đạt 14,83% ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu, 82,49% ở 9 ngành dịch vụ và 2,67% của 8 nghề tự do dịch chuyển lao động trong khối Asean.

Tin cùng chuyên mục