
Ông bà ta có câu “buôn có bạn, bán có phường”. Trong thế kỷ XXI bùng nổ thông tin thì lĩnh vực thương mại không còn là mối quan hệ giữa cá thể những người buôn bán với nhau mà còn là sự liên kết rộng lớn mang tính xã hội hóa để vươn tới hiệu quả kinh tế cao hơn . Đó cũng là mục tiêu mà “Hợp tác xã chợ” hướng đến.
Theo thống kê chưa đầy đủ (vì không thể “đếm” nổi các chợ “chồm hổm”) thì thành phố Cần Thơ (TP Cần Thơ) có 88 chợ, khoảng trên 50% là chợ loại 3. Nhiều chợ xã, phường, thị trấn tương đối tươm tất nhưng không ít nơi còn nhếch nhác do thiếu quan tâm tổ chức, quản lý, sắp xếp ngành hàng. Nguồn thu phí chợ không phải nhỏ nhưng ít địa phương trích lại một phần tương xứng cho khoản tái đầu tư phát triển chợ. Đây là hiện trạng không riêng của TP Cần Thơ mà chung cho các chợ phường, xã ở đồng bằng sông Cửu Long.

Những ngả đường về chợ.
Theo ông Lê Văn Hừng – Phó Giám đốc Sở Thương mại TP Cần Thơ: “UBND TP Cần Thơ đã giao 17 chợ cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhưng chỉ có một chợ do Công ty Thương mại Tổng hợp TP Cần Thơ khai thác được, số còn lại bị vướng ở khâu giải phóng mặt bằng như chợ Mỹ Khánh (Phong Điền), An Nghiệp (quận Ninh Kiều), các chợ thuộc huyện Vĩnh Thạnh...
Mặt khác, một số doanh nghiệp tính chuyện “mì ăn liền” nên chỉ tập trung đầu tư với mục đích phân lô, bán nền”. Được biết ở Thái Lan, một chợ chỉ có khoảng 9 thành viên đầu tư khai thác mà chợ đã có qui mô lớn, doanh thu 2 triệu USD/năm.
Còn ở ta, các ban quản lý chợ hiện nay chủ yếu lo tập trung vào thu lệ phí, hoa chi… chứ không mấy bận tâm đến công tác thăm dò thị trường, định kế hoạch phát triển khai thác chợ sao cho người bán thì ao ước có một chỗ trong chợ vì tin mình sẽ buôn bán thuận lợi; người mua khi có nhu cầu cũng nghĩ ngay đến cái chợ “sạch sẽ ngăn nắp, giá cả phải chăng, cân đo trung thực”.
Trong khi đó, ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) có HTX Bình Tây từ một HTX nông nghiệp chuyển sang “đa ngành nghề” đã thực hiện mô hình khai thác chợ khá hiệu quả, đem lại việc làm, thu nhập ổn định cho xã viên, hàng hóa đổ về chợ ngày càng phong phú.
HTX Bình Tây không chỉ quan tâm tạo ra một “cái chợ” sầm uất mà còn làm đầu mối giao thương hàng hóa với các vùng lân cận. Cuối năm 2004 đến nay, Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ đã phối hợp với Sở Thương mại khảo sát mạng lưới chợ - chủ yếu chợ loại 3 - toàn thành phố, tiến hành các bước vận động tổ chức thí điểm HTX ở chợ An Hòa (Q. Ninh Kiều).
Theo Liên minh HTX TP Cần Thơ, việc thành lập HTX chợ chưa thực hiện nhanh được do Sở Thương mại chưa xây dựng đề án chuyển đổi mô hình khai thác - quản lý chợ. Sở Thương mại còn đang xây dựng quy hoạch phát triển chợ trong hệ thống ngành - theo đó chợ có tài sản nhất định do Nhà nước đầu tư hoặc huy động vốn trong dân. Vướng mắc hiện nay là khi “chuyển đổi” số tài sản này sẽ được xử lý như thế nào!?
HTX chợ - nếu được tổ chức thực hiện tốt - sẽ là bước cải tiến mang tính đột phá về công tác quản lý, hiệu quả đầu tư, thu hút mạnh vốn trong dân, đẩy mạnh giao thương, kích cầu tiêu dùng, làm cho “chợ ra chợ” và tất yếu tăng được nguồn thu rất lớn cho ngân sách.
Một số chợ ở Cầu Ngang (Trà Vinh), Ngã Năm (Sóc Trăng), An Phú (An Giang), Vị Thủy (Hậu Giang)… tuy chưa thực hiện mô hình HTX chợ nhưng bằng sự quan tâm “lấy chợ nuôi chợ” mà các tiểu thương an tâm gắn bó, nông dân có thị trường tiêu thụ hàng nông sản tin cậy, người mua ngày càng đông. Đây là tiền đề tốt cho mô hình HTX chợ có đất dụng võ.
HÀ PHƯƠNG- NGUYỄN HUỲNH