Hớt váng tìm tài năng?

Chưa bao giờ các cuộc thi hát, các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng ca hát lại nở rộ như thời điểm hiện tại. Cuộc thi cũ chưa khép lại, cuộc thi mới đã manh nha chiếm sóng, thậm chí cùng thời điểm diễn ra vài ba cuộc thi liên quan đến hát hò là chuyện bình thường. Hàng loạt cuộc thi diễn ra nhưng đóng góp gì cho thị trường ca nhạc Việt? Câu trả lời dường như chỉ là tiếng thở dài thất vọng…
Hớt váng tìm tài năng?

Các cuộc thi hát trên truyền hình

Chưa bao giờ các cuộc thi hát, các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng ca hát lại nở rộ như thời điểm hiện tại. Cuộc thi cũ chưa khép lại, cuộc thi mới đã manh nha chiếm sóng, thậm chí cùng thời điểm diễn ra vài ba cuộc thi liên quan đến hát hò là chuyện bình thường. Hàng loạt cuộc thi diễn ra nhưng đóng góp gì cho thị trường ca nhạc Việt? Câu trả lời dường như chỉ là tiếng thở dài thất vọng…

Hết Giọng hát Việt đến Giọng hát Việt nhí, đối tượng nào sẽ được các cuộc thi hát nhắm đến tiếp theo để tận thu?

Hết Giọng hát Việt đến Giọng hát Việt nhí, đối tượng nào sẽ được các cuộc thi hát nhắm đến tiếp theo để tận thu?

Quanh năm ca hát

Nhìn vào số lượng các cuộc thi hát, các chương trình truyền hình với mục tiêu tìm kiếm tài năng ca hát hoàn toàn chiếm thế áp đảo trên các kênh truyền hình lớn mà không khỏi choáng ngợp. Ngay cả dân trong nghề, theo sát đời sống ca nhạc nước nhà nhưng nếu bất chợt hỏi đến chưa chắc đã nhớ tên các cuộc thi để có thể liệt kê đầy đủ. Thôi thì đủ cả, từ những “lão làng” và “thuần chủng” như Tiếng hát Truyền hình TPHCM, Sao Mai hay Sao Mai điểm hẹn đến những gương mặt mới toanh và “ngoại lai” như Tôi là người chiến thắng - The Winner đã diễn ra mùa đầu tiên hay Nhân tố bí ẩn - The X- Factor đang khởi động và chuẩn bị lên sóng vào đầu năm 2014 tới đây.

Chỉ tính riêng các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam hiện đã có hơn chục cuộc thi ca hát phát sóng gần như liên tục và quanh năm như Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Đồ Rê Mí, Việt Nam Idol, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Cặp đôi hoàn hảo, Hợp ca tranh tài… Bên cạnh đó, một vài đài truyền hình địa phương có độ phủ sóng cao cũng có nhiều cuộc thi thu hút như Đài Truyền hình TPHCM với Tiếng ca học đường, Ngôi nhà âm nhạc, Liên hoan Tiếng hát măng non, Tiếng hát truyền hình, Tiếng hát mãi xanh… Nhiều chương trình kéo dài hàng tháng trời với hàng chục live show được truyền hình trực tiếp như Sao Mai, Sao Mai điểm hẹn, Việt Nam Idol, Giọng hát Việt… Nếu trước đây, ca hát là cuộc chơi của những bạn trẻ thì bây giờ nam phụ lão ấu đều có “đất” để thi thố. Mẫu giáo, tiểu học đã có sân chơi Đồ Rê Mí. Lớn hơn một chút, tuổi thiếu nhi, thiếu niên đã có Giọng hát Việt nhí. Lứa tuổi từ trung niên cho đến cao niên thì đã có Tiếng hát mãi xanh đánh thức đam mê một thủa mà có thể vì cuộc mưu sinh họ đành gác bỏ giấc mơ ca hát. Đến một chương trình mang tính phổ quát như Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s Got Talent mà số lượng “tài năng” ca hát tham gia luôn chiếm áp đảo, khiến cuộc thi này chẳng khác mấy một cuộc thi hát.

Rất đông thí sinh tham gia vòng thử giọng cuộc thi Việt Nam Idol 2013.

Rất đông thí sinh tham gia vòng thử giọng cuộc thi Việt Nam Idol 2013.

Người cũ tràn ngập khung hình

Thừa mứa các cuộc thi dẫn đến nhàm chán là điều dễ hiểu. Bởi không ít cuộc thi cứ lặp lại nhau, từ giám khảo đến thí sinh lẫn ca khúc. Ca sĩ Siu Black ngồi ghế giám khảo từ Việt Nam Idol đến Tôi là người chiến thắng, Quốc Trung cũng từ Việt Nam Idol sang chương trình được xem là đối thủ là Giọng hát Việt, Nguyễn Quang Dũng, Mỹ Tâm cũng đã mấy mùa ngồi ghế nóng Việt Nam Idol, chưa kể trước đó cũng nhẵn mặt ghế giám khảo ở các cuộc thi, chương trình khác. Rồi những Hồ Hoài Anh, Thanh Bùi… cũng thế. Thế nên, có cuộc thi mới là nhà sản xuất lại phải luôn đau đầu với bài toán người cầm cân nảy mực. Một phần vì tài năng đủ tầm để ngồi vào ghế ấy chẳng nhiều, nhưng phần quan trọng hơn chính là nhân vật ấy không chỉ đủ thuyết phục về uy tín chuyên môn mà còn phải hoạt ngôn và đặc biệt là phải “ăn khách”. Đỏ mắt tìm nhân tố mới không có nên đương nhiên đành “xà quần” trong từng ấy những gương mặt cũ.

Thí sinh cũng thế! Tìm đâu ra nhân tố mới, tài năng mới khi mà có khi cùng thời điểm diễn ra đến 4 cuộc thi? Nên có những cái tên gần như đi thi chuyên nghiệp. Chuyện Uyên Linh, Đinh Hương… nhẵn mặt ở các cuộc thi ca hát trước khi tỏa sáng là chuyện “thường ngày ở huyện”. Ngay cả chuyện các gương mặt đoạt giải cao ở các cuộc thi hát trước hay một vài gương mặt đã xây dựng được chút ít tên tuổi trên thị trường vẫn ghi danh thi các chương trình mới. Những Hà Linh, Dương Hoàng Yến, Trần Vũ Hà My, Nguyễn Trần Minh Sang của Giọng hát Việt năm nay hay Tiêu Châu Như Quỳnh của mùa Giọng hát Việt 2012, Trần Quốc Thiên của Tôi là người chiến thắng mùa đầu là minh chứng rõ nét. Vì khan hiếm đến mức ấy nên mới phát xuất không ít râm ran đồn đoán về những “thỏa thuận ngầm” trước mỗi cuộc thi diễn ra giữa người của ban tổ chức với các thí sinh tiềm năng…

Không chỉ gương mặt giám khảo cũ, thí sinh cũ mà các bài hát đem ra thi thố cũng cũ nốt. Trong những cuộc thi hát, các bài hát khoe giọng hoặc đang ăn khách luôn luôn được ưu tiên lựa chọn và cứ thế lặp đi lặp lại từ hết cuộc thi này qua cuộc thi khác. Không thể (vì không có) chinh phục bằng tài năng thật sự - ở đây là giọng hát của thí sinh, nên hầu hết các chương trình chuyển sang dựa vào những “chiêu, trò” bên ngoài giọng hát, đẩy những lố lăng ngày càng đi xa và khó kiểm soát. Là người nhiều năm làm công tác đào tạo các tài năng thanh nhạc, NSND Trung Kiên cho rằng, có khi cả một khóa chỉ đào tạo được từ 1-2 giọng ca xuất sắc, khi ra nghề được khán giả biết đến mặt, nhớ đến tên thì lấy đâu ra nhiều tài năng cho các cuộc thi liên tục như thế. Mà đó là ở môi trường được đào tạo chuyên nghiệp, còn các cuộc thi trên truyền hình chỉ “lào phào” dăm bữa nửa tháng, hớt váng bề mặt thì làm sao mà tìm ra được những ngôi sao thực chất? Trong khi đó, nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng: “Nói một cách lạc quan, các cuộc thi hát hay các chương trình truyền hình với mục tiêu tìm kiếm tài năng ca hát chỉ tạo ra sức hấp dẫn mới cho... truyền hình, khi mà các chương trình kiểu cũ đã nhàm chán. Còn về phía các thí sinh, họ cũng có cơ hội cọ xát với một môi trường giải trí và được nhiều người biết mặt. Ngoài hai điều này ra, không có các lợi ích nào khác. Nó không làm gì xấu thị trường, nó chỉ gây ra một số ảo tưởng cho một số người không có tinh thần vững”.

Tại Trung Quốc, ngày 24-7 vừa qua, cơ quan quản lý truyền hình nước này đã ra thông báo khuyến cáo các đài truyền hình vệ tinh không nên đầu tư vào bất cứ cuộc thi ca hát mới nào. Những chương trình đã được sản xuất, song chưa phát sóng, sẽ không được phép phát sóng cho tới hết dịp hè… Ngoài ra, một loạt các chương trình đang được phát sóng sẽ phải thay đổi để không nằm trong các khung giờ “vàng”. Động thái này nhằm ngăn chặn sự phát triển đơn điệu của các chương trình truyền hình, tạo điều kiện cho khán giả có những lựa chọn đa dạng hơn, nhất là trong bối cảnh nhiều kênh truyền hình vệ tinh ở Trung Quốc thi nhau tổ chức các cuộc thi hát sau mùa đầu tiên của The Voice of China.

KHẮC THI

Tin cùng chuyên mục