“Hung thần” trên vùng biển Tây Nam

Những năm gần đây, tình trạng khai thác thủy sản ven bờ bằng tàu có công suất nhỏ đã làm nguồn lợi thủy sản vùng biển Tây Nam (ở địa bàn 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang) bị suy giảm nghiêm trọng. Hệ sinh thái thủy sản ven bờ sẽ tiếp tục cạn kiệt nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ.
“Hung thần” trên vùng biển Tây Nam

Những năm gần đây, tình trạng khai thác thủy sản ven bờ bằng tàu có công suất nhỏ đã làm nguồn lợi thủy sản vùng biển Tây Nam (ở địa bàn 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang) bị suy giảm nghiêm trọng. Hệ sinh thái thủy sản ven bờ sẽ tiếp tục cạn kiệt nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ.

Khai thác… kiểu “tận diệt”

Bờ biển Tây Nam có chiều dài gần 350km bắt đầu từ Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau) đến Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) với ngư trường đánh bắt rộng lớn. Dọc bờ biển Tây Nam có rất nhiều cửa sông, cửa biển lớn nhỏ ăn thông ra biển, nên ghe tàu dễ dàng đánh bắt. Trên vùng biển này, ngày đêm có hàng ngàn ghe tàu bủa lưới đánh bắt cá, tôm…

Chiều xuống tại cửa biển Hương Mai (xã Khánh Tiến, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cũng giống như nhiều cửa biển khác ở vùng biển Tây Nam, các ghe đánh bắt có công suất dưới 20CV của ngư dân tiến hành xuất quân. Xen lẫn với những ghe đánh bắt ấy, còn có những ghe lưới ba màng thi nhau ra biển. Những chiếc ghe hành nghề lưới ba màng chỉ đánh bắt gần bờ, phạm vi khoảng 3 hải lý trở vào. Ngư dân Phan Lâm Mỹ (xã Khánh Tiến) cho biết: “Thời gian gần đây cá, tôm ven bờ cạn kiệt nên thả lưới có kích thước nhỏ mới có ăn, còn kích thước lớn thì “húp cháo” cũng chẳng có…”. Khi chúng tôi hỏi đánh bắt như vậy thì cá, tôm ngày càng cạn kiệt, rồi sẽ ra sao? Ông Mỹ không trả lời thẳng mà chỉ nói: “Tới đâu hay tới đó!”. Ngoài nghề lưới ba màng, gần đây các ngư dân Cà Mau và Kiên Giang cũng đẩy mạnh đánh bắt bằng lú bát quái (hay còn gọi là lờ dây). Lú bát quái có kích thước mắt lưới nhỏ, vùng hoạt động chủ yếu là vùng biển cạn do vậy đây là một trong những cách đánh bắt có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản ven bờ.

Sử dụng điện đánh bắt “tận diệt” nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, theo các ngư dân, nguy hiểm nhất trên vùng biển Tây Nam là các ghe cào và te sử dụng điện để đánh bắt (dùng bình ắc-quy 12V loại lớn, lắp đặt bộ kích điện lên 220V, dây điện được luồn quanh miệng lưới hoặc miệng te). Các “hung thần” đánh bắt thủy sản bằng bộ xung kích điện rất nguy hiểm vì khi miệng lưới, miệng te đi đến đâu thì tất cả các loại thủy sản lớn bé như tôm, cá, mực… đều bị bắt hết. Theo lực lượng kiểm ngư, các ghe, tàu đánh bắt bằng hình thức kích điện rất khó bị “bắt tận tay” vì khi phát hiện có cơ quan chức năng thì các chủ ghe nhanh chóng tẩu tán dụng cụ kích điện xuống biển.

Ngư dân Lê Thanh Thuận (thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang), cho biết: Khi ghe cào đi qua, phía dưới lớp bùn bị miệng cào cày xới tung lên, bị khuấy động làm các loài thủy sản không còn chỗ dựa, mất nơi sinh sản...

Cạn kiệt thủy sản

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, hiện trên địa bàn có hơn 10.880 chiếc ghe, tàu, trong đó tàu khai thác ven bờ dưới 20 CV là 3.725 chiếc (chiếm khoảng 34% số tàu toàn tỉnh). Hiện nguồn lợi thủy sản ven bờ trên địa bàn vẫn ở trong xu thế suy thoái và cạn kiệt. Nguyên nhân do tình trạng khai thác quá mức, sử dụng các hình thức khai thác thiếu chọn lọc, có tính hủy duyệt như cào bờ, xiệp mé, xung điện...

Còn tại Cà Mau hiện có trên 4.600 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có trên 1.320 phương tiện khai thác thủy sản có công suất dưới 20CV (chiếm trên 28% tổng số công suất tàu hiện có trên địa bàn). Trên địa bàn Cà Mau, nguồn lợi thủy sản ven bờ cũng bị cạn kiệt dần. Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN- PTNT tỉnh Cà Mau, cho rằng các tàu đánh bắt ven bờ có công suất dưới 20CV là “nguyên nhân hàng đầu” tận duyệt nguồn lợi thủy sản ven bờ. Nguyên nhân vì vùng biển ven bờ là bãi sinh sản, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các loài thủy sản có xu hướng khi nhỏ thì ở ven bờ, khi lớn mới ra biển khơi. “Trong khi đó, ở vùng biển ven bờ, các ngư dân ngày đêm bủa lưới, giăng câu. Thời gian qua công tác quản lý tàu cá chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, cấp huyện hầu như chưa quản lý được đối với các tàu đánh bắt gần bờ mà trông chờ vào cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong khi đó, cơ quan chuyên ngành như lực lượng kiểm ngư rất mỏng và vùng biển lại quá rộng nên quản lý không xuể”, ông Phạm Thế Tài nói.

Theo ông Phạm Thế Tài, để giải bài toán cạn kiệt thủy sản ven bờ cần tập trung hỗ trợ ngư dân chuyển đổi tàu có công suất dưới 20CV để vươn khơi. Ngoài ra, cần có giải pháp tạo công ăn việc làm cho cư dân vùng ven biển, đẩy mạnh công tác quản lý và tái tạo nguồn lợi thủy sản ven bờ...

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục