Hướng đến mô hình sản xuất, phân phối sản phẩm VietGap

Hưởng ứng Tháng hành động vì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2013; thực hiện chủ trương của TP triển khai “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi ATVSTP tại TPHCM giai đoạn 2013 - 2015”, ngày 16-5, Sở Công thương TPHCM chủ trì buổi ký kết hợp tác phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap giữa Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) với các nhà cung cấp. Đây là chương trình mở đầu “chiến dịch” hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn tại TPHCM.
Hướng đến mô hình sản xuất, phân phối sản phẩm VietGap

Hưởng ứng Tháng hành động vì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) năm 2013; thực hiện chủ trương của TP triển khai “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi ATVSTP tại TPHCM giai đoạn 2013 - 2015”, ngày 16-5, Sở Công thương TPHCM chủ trì buổi ký kết hợp tác phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap giữa Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) với các nhà cung cấp. Đây là chương trình mở đầu “chiến dịch” hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn tại TPHCM.

Rau VietGap vào siêu thị, ra chợ

Tại buổi lễ, Saigon Co.op đã lần lượt ký kết với 16 đơn vị được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), trong đó có 13 đơn vị sản xuất rau củ quả và 3 đơn vị sản xuất trái cây. Điều đáng lưu ý, trong số 16 đơn vị đạt chuẩn VietGap, có đến 9 đơn vị là các DN, các HTX sản xuất rau củ quả của TP, số DN còn lại là của 2 tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận.

Theo nội dung ký kết, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ các nhà cung cấp quảng bá, trưng bày các sản phẩm rau củ quả đạt chuẩn VietGap kinh doanh trong hệ thống siêu thị Co.opMart ở một khu vực riêng, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết. Trước mắt, Saigon Co.op sẽ triển khai các gian hàng rau VietGap tại 25 siêu thị trên địa bàn TPHCM, sau đó sẽ nhân rộng cách làm này tại 61 siêu thị trên địa bàn cả nước và tại các cửa hàng Co.op Food và cửa hàng Co.op trong toàn hệ thống. Ngược lại, các nhà cung cấp cam kết sẽ tuân thủ đúng quy định sản xuất rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGap nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, ATVSTP và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.

Mua rau Viet GAP tại Coop-Mart Cống Quỳnh. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
Mua rau Viet GAP tại Coop-Mart Cống Quỳnh. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, sở dĩ TP chọn Saigon Co.op là đơn vị đầu tiên để triển khai mô hình phân phối các sản phẩm đạt chuẩn VietGap là vì Saigon Co.op đã có sẵn hệ thống siêu thị Co.opMart. Mặt khác, hầu hết sản phẩm của các DN này cũng đang được bày bán tại Co.op, nhưng chưa được bố trí thành quầy hàng riêng và chưa có sự ký kết hợp tác thực hiện giữa các bên. Theo đó, mỗi ngày hệ thống Co.opMart tiêu thụ tới 60 tấn rau củ quả các loại nên việc triển khai sẽ rất thuận lợi. Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục chọn các hệ thống siêu thị khác để thực hiện việc ký kết, nhằm hỗ trợ và khuyến khích các DN tập trung sản xuất các sản phẩm rau an toàn cung ứng cho thị trường TP. Ở khu vực các chợ truyền thống, sở cũng đã làm việc với 2 chợ là Bến Thành và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, từ đó thống nhất chọn ngành hàng và mặt hàng để triển khai “Đề án xây dựng mô hình thí điểm quản lý thực phẩm theo chuỗi ATVSTP”.

Nỗi lo đầu ra

Theo nhận định của bà Lê Ngọc Đào, việc triển khai mô hình hợp tác để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đạt chuẩn VietGap tại các hệ thống siêu thị sẽ mang tính khả thi cao do quản lý tập trung. Nhưng để thành công, TP vẫn phải chọn phương án thực hiện theo dạng cuốn chiếu, vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ không thể triển khai một cách đại trà. Đây cũng chính là lý do vì sao TP chọn Saigon Co.op để mở đầu cho chương trình này. Tại các chợ, cách làm sẽ khó khăn hơn nhiều. Bên cạnh sự hạn hẹp về kinh phí trong việc đầu tư, nâng cấp hạ tầng các chợ thì ý thức cũng như hành vi của tiểu thương cũng là vấn đề rất đáng lo ngại, bởi lẽ họ mới chính là chủ thể để thực hiện dự án chứ không phải ai khác. Ngoài ra, tâm lý cũng như ý thức người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm để mua sắm cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình triển khai.

Saigon Co.op công bố tổng đài chăm sóc khách hàng

Để nâng cao chất lượng phục vụ, Saigon Co.op đã công bố, chính thức đưa vào hoạt động tổng đài chăm sóc khách hàng 1900 555 568. Tổng đài hoạt động từ 7 giờ đến 22 giờ mỗi ngày. Khách hàng có thể phản hồi mọi ý kiến của mình thông qua tổng đài này để được trả lời và giải đáp cụ thể.

Cùng quan điểm này, ông Trần Quang Chánh, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp TMDV Phú Lộc (huyện Củ Chi) cho biết, hiện HTX đang sản xuất theo hướng tập trung cho các sản phẩm an toàn trên diện tích hơn 35 ha, trong đó hơn 70% sản phẩm của HTX đã được chứng nhận đạt chuẩn VietGap. Theo đó, khả năng sản xuất và cung ứng sản phẩm của HTX sẽ đạt hơn 20 tấn/ngày, nhưng trên thực tế thị trường tiêu thụ chỉ đạt khoảng từ 8-10 tấn/ngày. Theo tính toán của ông Chánh, nếu so sánh giá rau VietGap với các loại rau đang bán xá thì giá bán gần như không có sự chênh lệch, bởi lẽ rau an toàn đã được làm sạch. Nhưng với đại đa số người tiêu dùng vẫn còn mang tâm lý, giá bán rau VietGap quá đắt so với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường. Bên cạnh đó, kênh phân phối rau VietGap vẫn còn bó hẹp ở các siêu thị nên mức độ phổ biến chưa cao. Hiện Phú Lộc cũng đang làm việc với các chợ và mời chính ban quản lý chợ làm đại lý phân phối rau VietGap đến các hộ kinh doanh trong chợ. Nếu TP hỗ trợ cho các HTX và ban quản lý các chợ về mặt cơ chế, chính sách thì rau VietGap sẽ có điều kiện phát triển, dần đẩy lùi các loại rau không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng trên thị trường.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opMart cũng cho rằng, hiện tỷ lệ rau củ quả đạt chuẩn VietGap đã đạt hơn 90% tổng lượng hàng đang bày bán tại hệ thống Co.opMart của TPHCM. Nhưng để nâng sức cạnh tranh của các mặt hàng này, Saigon Co.op sẽ thường xuyên bàn bạc với các nhà cung cấp để có kế hoạch sản xuất phù hợp hơn, giảm tối đa chi phí để đưa sản phẩm ra thị trường với mức giá tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của đại số người tiêu dùng. Việc triển khai thực hiện phương án quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, sẽ là một trong những chương trình trọng điểm để TPHCM từng bước hướng tới một đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để thành công ngoài sự nỗ lực của các DN, sự triển khai chỉ đạo quyết liệt của các cấp, sở ngành thì rất cần sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó khâu tuyên truyền, vận động để từng bước thay đổi ý thức tiêu dùng của người dân là rất quan trọng.

THÚY HẢI 

Tin cùng chuyên mục