Đón Tết Quý Tỵ 2013, nông dân ĐBSCL có tin vui, đó là tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 100% từ ĐBSCL. Khu vực này cũng chiếm 70% sản lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản và 80% xuất khẩu tôm, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
ĐBSCL cũng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa quy mô lớn như mô hình cánh đồng mẫu lớn; sản xuất từng bước gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu; xây dựng được một số thương hiệu nông sản; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ giúp nâng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của ĐBSCL như thủy sản (cá tra, tôm), lúa gạo và cây ăn trái; phát triển hạ tầng thủy lợi, giao thông; quy hoạch vùng nguyên liệu; hỗ trợ giống; tín dụng và tiêu thụ sản phẩm.
Tuy thế, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cơ cấu cây trồng ở ĐBSCL chuyển đổi chậm, chất lượng nông sản còn yếu kém, nhất là trong xuất khẩu và xâm nhập vào kênh tiêu thụ chính thống ở TPHCM và các vùng khác. Liên kết giữa người sản xuất cùng ngành hàng chưa cao, năng lực liên kết giữa doanh nghiệp với người sản xuất chưa chặt chẽ, đời sống nông dân chậm được cải thiện.
Nguyên nhân, theo đánh giá của các chuyên gia, một phần do thiếu cơ chế, chính sách, nhất là những chính sách tạo liên kết “4 nhà” và những cơ chế khuyến khích, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt. Có thể thấy rõ chính sách cho các sản phẩm trọng điểm của khu vực như mua tạm trữ lúa gạo, chính sách cho cá tra, tôm; các chính sách về phát triển giáo dục, cơ sở hạ tầng… vẫn còn chậm, chưa căn bản, việc triển khai thực hiện còn nhiều vướng mắc, hiệu quả không cao; phối hợp giữa các bộ ngành với nhau, giữa bộ ngành với địa phương chưa chủ động. Do đó, để phát huy lợi thế so sánh, tạo giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất nông sản chủ lực, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách. Trong đó, tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết sản xuất, phân phối, tiêu thụ; phát huy lợi thế để từng bước đưa nông sản chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với sự tham gia của các đối tác quốc tế. Ngoài ra, nông nghiệp ĐBSCL cần khai thác tiềm năng, lợi thế theo hướng chuyên canh hàng hóa, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, 4 vấn đề cần được tập trung trong thời gian tới là liên kết vùng, gắn kết nông dân và doanh nghiệp, liên kết trong chuỗi giá trị, đầu tư cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ. Trong 4 vấn đề này, liên kết toàn vùng đang là yêu cầu đặt ra cấp thiết, phải triển khai ngay, từ liên kết quy hoạch toàn vùng để phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, quy hoạch lĩnh vực đến liên kết đầu tư và liên kết phân bổ vốn đầu tư. Sắp tới, các địa phương ở ĐBSCL cần triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới; Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách riêng cho vùng ĐBSCL, ưu tiên các chính sách đặc thù thu hút đầu tư, phát triển nông nghiệp và nguồn nhân lực.
Đất nước ta vốn dĩ phát triển và đi lên từ nông nghiệp, 70% người dân đang sống ở nông thôn. Một chuyên gia cho rằng: “Ước mơ khiêm nhường của người nông dân là đến năm 2020, mỗi gia đình ở nông thôn có đủ 5 thứ: Tivi - radio, máy tính, bếp ga, vòi sen tắm và nhà vệ sinh tự hoại. Nếu ước mơ ấy thành hiện thực thì đấy chính là tiêu chí vàng để góp phần xây dựng nông thôn mới và đến lúc đó đất nước ta sẽ chuyển sang một giai đoạn phát triển mới mà ở đó chất lượng cuộc sống của người dân đã được nâng lên đáng kể”.
Trong nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2011, 2012, lĩnh vực nông nghiệp và cuộc sống của nông dân khá ổn định, điều đó đã góp phần rất lớn cho sự ổn định chung của toàn xã hội. Do vậy khu vực “tam nông” rất cần có sự đầu tư một cách căn cơ, bài bản và mạnh mẽ hơn nữa để lấp dần những khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng khác nhau, đặc biệt là giữa đô thị và nông thôn. Đó cũng chính là động lực, nền tảng cho sự phát triển kinh tế vững chắc.
Trần Minh Trường