Nhiều nông dân ở Long An rất phấn khởi khi những mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt…
Ông Nguyễn Văn Lợi ở xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng (Long An) khoe: “Vụ lúa Đông Xuân 2017-2018, gia đình tôi và HTX Nông nghiệp dịch vụ 1-5 áp dụng mô hình sản xuất mới. Nông dân được ngành nông nghiệp hỗ trợ giống chất lượng, gieo sạ đồng loạt, hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới, giảm chi phí vật tư… Kết quả, lúa cho năng suất hơn 7 tấn/ha; gia đình tôi canh tác 2ha, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ 1-5 (xã Vĩnh Châu A), lâu nay bà con sản xuất lúa theo truyền thống thường sạ dày, giống thiếu chọn lọc, bón nhiều phân… nên chi phí cao và lợi nhuận thấp. Sau khi tỉnh Long An triển khai đề án ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì HTX chúng tôi đăng ký tham gia.
Hơn 50ha đất lúa của xã viên được quy hoạch lại thành vùng chuyên canh 30ha lúa hàng hóa phục vụ xuất khẩu và 20ha sản xuất lúa giống chất lượng cao. Nhờ các ngành chức năng của địa phương hỗ trợ kỹ thuật mới, giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách nhìn, tiếp cận cách làm mới như san bằng mặt ruộng bằng tia laser, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất và thu hoạch… Vì vậy, hiệu quả tăng lên rõ rệt, ước tính bình quân sản xuất lúa theo công nghệ cao tăng 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ so với bên ngoài.
“Từ thành công của vụ lúa Đông Xuân vừa rồi, nên vụ Hè Thu 2018, nông dân thuộc HTX mạnh dạn sản xuất 50ha lúa hữu cơ, có hợp tác với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra với giá sàn 8.000 đồng/kg. Hiện tại, cánh đồng lúa hữu cơ của HTX chuẩn bị thu hoạch, nông dân đảm bảo lợi nhuận. Đây là hướng đi bền vững…”, ông Nguyễn Văn Bình tâm sự.
Tại cánh đồng rau màu ở xã Long Khê, huyện Cần Đước (Long An), nhiều nông dân say mê trồng rau sạch theo công nghệ cao. Nông dân Lê Phước Tồn cho biết: “Ngày trước vùng này sản xuất lúa theo truyền thống nên hiệu quả thấp. Sau khi nông dân tham gia HTX và được ngành chức năng hỗ trợ sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đã làm thay đổi tích cực. 7 công rau của gia đình tôi bây giờ cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm, số tiền mơ ước”.
Ông Lê Văn Giấy, Giám đốc HTX Rau an toàn Mười Hai (xã Long Khê) bộc bạch: “Phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao đã tạo ra nhiều thay đổi tích cực như tự động hóa nhiều khâu trong canh tác, giúp giảm công lao động và chi phí; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, áp dụng sản xuất nhà lưới giúp giảm khoảng 50% sâu bệnh; quá trình sản xuất được theo dõi chặt chẽ, tạo ra sản phẩm rau sạch, an toàn nên dễ dàng cung cấp cho các hệ thống siêu thị, nhà hàng, chợ đầu mối… với giá cao. Bình quân lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/ha rau/vụ; trong khi thời gian canh tác chỉ mất 1 tháng/vụ”.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh dựa trên nền tảng nội lực là chủ yếu; đồng thời phát huy thế mạnh, tiềm năng, điều kiện sản xuất của địa phương nhằm đạt hiệu quả cao. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang hướng tới nền sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, nâng cao thu nhập cho nông dân. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vì vậy cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị…