Là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng do đánh bắt truyền thống, phương pháp bảo quản, chế biến chưa đạt yêu cầu nên sản phẩm cá ngừ đại dương của Bình Định luôn trong tình trạng bấp bênh. Để khai thác và phát huy thế mạnh này, Bình Định đang chọn hướng đi đột phá cho cá ngừ đại dương - đưa trực tiếp sang thị trường Nhật Bản.
Được cá, mất giá
Trong 3 tỉnh của miền Trung có đội tàu đánh bắt cá ngừ đại dương thì Bình Định có số lượng tàu đông nhất nên sản lượng đánh bắt cũng cao nhất nhì. Trong mấy năm gần đây, nghề đánh bắt cá ngừ của ngư dân Bình Định đã chuyển từ phương pháp câu vàng sang câu tay kết hợp ánh sáng. Hiện Bình Định có 1.041 tàu có công suất từ 90CV trở lên chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ, trong đó chỉ có 10 tàu còn đánh bắt theo phương thức truyền thống (câu vàng), 642 tàu chuyển hẳn sang câu tay kết hợp ánh sáng và 334 tàu làm mành mực kết hợp khai thác cá ngừ bằng hình thức câu tay.
Có thể khẳng định, phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng đã mang lại hiệu quả rất cao về năng suất. “Từ khi ngư dân Bình Định chuyển đổi hình thức đánh bắt, ngay năm đầu tiên (2012) sản lượng cá ngừ đại dương tăng đột biến, cao gấp 2,5 lần so năm 2011. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng cá ngừ đạt 4.673 tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tàu đạt từ 2,5 - 3 tấn/chuyến biển”, bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Bình Định, cho biết.
Được cá, nhưng ngư dân không vui vì giá liên tục giảm, hiện giá cá ngừ câu tay đang đứng ở mức thảm hại, từ 45.000 - 50.000 đ/kg. Về phía ngư dân, hầu hết các chủ tàu khai thác cá ngừ đại dương đều cho rằng đang bị bên thu mua ép giá. Tuy nhiên, các cơ sở thu mua thì giải thích rằng chất lượng cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng quá kém, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chỉ có thể tiêu thụ nội địa nên không thể mua giá cao.
Bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định, cho hay: “Trong 6 tháng đầu năm 2013, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty chúng tôi còn đặc biệt quan tâm công tác đánh giá chất lượng giữa cá ngừ câu vàng và cá câu tay kết hợp ánh sáng. Trong tổng lượng cá câu vàng công ty thu mua, có từ 40% - 60% được xếp loại 1 (đạt chất lượng xuất khẩu), khoảng 30% xếp loại 2 (đủ tiêu chuẩn làm đông lạnh) và chỉ có 10% xếp loại 3 (loại xấu chỉ có thể tiêu thụ nội địa). Trong khi đó, cá câu tay kết hợp ánh sáng chỉ có từ 2% - 3% được xếp loại 1, 20% - 30% đạt loại 2, còn lại chỉ đạt trung bình và xấu”.
Đưa cá ngừ qua Nhật
Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đánh bắt cá ngừ bằng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng chủ yếu làm theo con trăng, nên cứ đến mùa trăng là tàu về dồn dập. Mỗi mùa trăng có đến 1.000 chiếc tàu cập bờ bán sản phẩm. Trong khi đó, Bình Định chỉ có 5 nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản công nghiệp, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các công ty này là tôm, cá đông lạnh. Ngoài ra, còn có 10 cơ sở thu mua cá ngừ đại dương khác, nhưng chủ yếu là làm đại lý cho các công ty ngoài tỉnh.
Trước đây, khi còn đánh bắt cá ngừ bằng phương pháp câu vàng, tàu cập bờ rải rác, cá ít, các doanh nghiệp phải tranh mua nên giá cá luôn ổn định. Bây giờ thì cung vượt quá xa cầu, do đó cá bị mất giá là điều dễ hiểu.
Bà Cao Thị Kim Lan nói: “Chỉ tính tại huyện Hoài Nhơn mỗi ngày có đến 50 - 70 tàu cập bờ vào mùa trăng, không doanh nghiệp nào thu mua cho xuể. Có thời điểm sau 2 - 3 ngày cập bờ ngư dân mới bán được cá. Lúc cao điểm, công ty chúng tôi phải thuê thêm hậu cần ở Tam Quan (Hoài Nhơn) và cả ở tỉnh Quảng Ngãi, gần cả ngàn công nhân làm việc nhưng vẫn không đủ sức phi lê cá. Cá về nườm nượp, bí quá chúng tôi cho cấp đông nguyên con. Phải mất 3 ngày mới cấp đông được 1 con”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, mỗi năm sản lượng đánh bắt cá ngừ của địa phương này trên 10.000 tấn nhưng không xuất khẩu được hoặc phải xuất qua khâu trung gian. Không thể cứ để tài nguyên biển lãng phí như vậy, tỉnh Bình Định đã trực tiếp qua gặp các doanh nghiệp chế biển thủy sản của Nhật Bản để kêu gọi đầu tư.
Vừa qua, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đến Bình Định, sau khi khảo sát đưa và ra nhận định là chất lượng cá ngừ được bảo quản kém do đánh bắt, bảo quản, vận chuyển. Đồng thời, yêu cầu Bình Định gửi 3 con cá ngừ đại dương qua Nhật để họ đánh giá chất lượng. Mặc dù được lựa chọn rất kỹ trong số hàng ngàn con, nhưng ba con được cho là tươi, ngon nhất khi đưa qua đến Nhật thì hư mất một con, một con phải ăn chín, chỉ còn một con đạt yêu cầu là ăn tươi được, nhưng cũng chỉ tạm được chứ chưa tốt lắm.
“UBND tỉnh Bình Định đang phối hợp với Hội hữu nghị Nhật - Việt tại Sankai đề nghị với Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ cho Bình Định vốn ODA không hoàn lại để làm hai dự án: kỹ thuật đánh bắt và bảo quản cá ngừ đại dương và xây dựng khu hậu cần nghề cá ở Tam Quan (Hoài Nhơn)” - ông Lộc cho biết.
Theo thống kê của Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, năm 2012, sản lượng CNĐD Việt Nam khai thác được hơn 22.000 tấn (tăng gấp đôi so với năm 2010). Dự kiến, năm nay, sản lượng có thể đạt khoảng 25.000 tấn. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 25% sản lượng có thể xuất khẩu tươi, còn lại phải qua chế biến, đóng hộp nên giá trị xuất khẩu giảm nhiều. Ông Vũ Đình Đáp - Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam nói: “Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cá ngừ lớn trên thế giới. Sản phẩm CNĐD Việt Nam có mặt ở hơn 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy sản lượng xuất khẩu tăng nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu lại không tăng tương ứng do cá không đảm bảo chất lượng để xuất khẩu tươi. |
HÀ MINH