Hương Đô

Cách đây 52 năm, Đoàn 559 được thành lập. Trong dịp đặc biệt này, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc Khu di tích lịch sử kháng chiến quốc gia Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đóng tại xóm 7, xã Hương Đô, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Hương Đô

LTS: Cách đây 52 năm, Đoàn 559 được thành lập. Trong dịp đặc biệt này, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc Khu di tích lịch sử kháng chiến quốc gia Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đóng tại xóm 7, xã Hương Đô, huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Từ thị trấn Hương Khê, theo tuyến quốc lộ 15A về phía Đông Nam khoảng 8km, sau đó vượt qua cầu Trung Tâm bắc ngang con sông Ngàn Sâu thơ mộng sẽ đến thôn 7, xã Hương Đô anh hùng. Nơi đây từ năm 1966 đến cuối năm 1970, là Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500.

Cách đây 45 năm, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn ác liệt, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, đạn dược, nhân lực kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, đồng thời để có cái nhìn toàn diện hơn về chiến trường miền Nam cũng như các cung đường ở Lào, Campuchia…

Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đã quyết định chuyển Sở Chỉ huy Tiền phương từ Minh Hóa, Quảng Bình về xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh. Trong những tháng ngày kháng chiến ác liệt ấy, người dân Hương Đô không những che chở, bao bọc, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bộ đội mà còn sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo, nhường 20 ngôi nhà, cùng với vườn tược để bộ đội xây dựng cơ sở phục vụ tác chiến.

Sở Chỉ huy đóng tại nhà ông Nguyễn Văn Nhuệ và bà Đinh Thị Khánh. Ngôi nhà 3 gian, bằng gỗ, lợp tranh, vách phên nứa quay về hướng Nam. Hội trường hội họp và sinh hoạt văn nghệ của bộ đội được đặt tại gia đình ông Hoàng Văn Học, có hầm hào trú ẩn, xung quanh có đắp bờ lũy (đây là nơi diễn ra hội nghị tổng kết mùa khô 1966-1967, còn gọi Hội nghị Hương Đô).

Bộ phận hậu cần phục vụ cơ quan Bộ Tư lệnh đặt tại nhà ông Ngô Hạp và bà Nguyễn Thị Minh. Bộ phận thông tin liên lạc đặt tại nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ, nơi đây có bộ phận cơ yếu, điện đài, thông tin, máy phát điện...

Năm 2001, xã Hương Đô vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2002, các cựu chiến binh của Bộ đội Trường Sơn đã xây dựng tại xóm 7, xã Hương Đô một bia đá dẫn tích có nội dung ghi lại các cơ quan và các vị lãnh đạo của Sở Chỉ huy Tiền phương, Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh 559 và Bộ Tư lệnh 500 đã từng đóng và làm việc tại nơi đây (ảnh).

Đến ngày 22-8-2005, Sở Chỉ huy Tiền phương, Tổng cục Hậu cần Bộ Tư lệnh 559 và Bộ Tư lệnh 500 được Bộ VH-TT (cũ) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

D.QUANG

Tin cùng chuyên mục