Sự kỳ công ấy phần nào được đáp lại bằng việc tập sách Hương hoa đất nước - Những câu hát cũ ra mắt công chúng hôm nay với phiên bản đầy đủ, gồm toàn bộ các phần đã nhiều lần được in thành sách từ năm 1949 và phần bổ sung chưa từng xuất bản là những câu hát trong hộp kỷ vật của ông.
Tập sách chứa hơn 2.300 câu ca xưa vốn chỉ được truyền miệng trong dân gian được ông sưu tầm trong nửa thế kỷ. Những câu hát được sắp xếp theo từng chương mục, mỗi chương là một chủ đề khác nhau, tất cả đều là những mối quan tâm trong cuộc sống con người như ăn uống, dạy trẻ, giàu nghèo, làm quan, đại gia đình, tình vợ chồng...
Những câu hát hiện lên trên trang giấy cho ta hiểu thêm về cuộc sống, con người của đất nước thời còn nghèo khó nhưng không thiếu “hương hoa”. Những hương hoa của đất nước bảng lảng trong từng vần điệu, từng ý tứ sâu sắc và duyên dáng. Nhưng hương hoa ấy sẽ phai đi và biến mất mãi mãi nếu không có những người như ông góp nhặt, chắt chiu từng ngày.
Lật từng trang sách, chợt nghĩ hơn 50 năm đi khắp nơi góp nhặt những câu hát cũ, liệu có bao giờ ông lo sợ công việc mình đang làm sẽ như “dã tràng xe cát” như câu hát ông chép trong chương Làm: “Công dã tràng thường ngày xe cát,/ Sóng ba đào, ai xét công cho?”. Có lẽ là không, vì đối với ông, điều ông đã mang lại là một “sự cố gắng”. Sự cố gắng để gieo đức tin vào những người trẻ như ông đã tin. Đó là niềm tin rằng hương hoa đất nước sẽ nhờ thế hệ trẻ mà trường tồn bất diệt. Mười năm, trăm năm, muôn ngàn năm, câu hát xưa sẽ luôn vang lên trong các thế hệ, dẫu có phai nhưng tuyệt đối không mờ.
Cuốn sách đầy giá trị này không thể thiếu trên tủ sách của những người yêu mến nghệ thuật dân gian Việt Nam, là “bửu bối” tinh thần, văn hóa truyền lại cho độc giả hôm nay tình yêu đối với những câu ca truyền khẩu tuyệt vời ngày xưa.