Sau chiến tranh, Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương nghèo, hàng năm lại phải đối mặt với 3-5 trận bão lũ lớn nhỏ... 35 năm qua, tỉnh có bước phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 12%. Xây dựng Thừa Thiên – Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đang là mục tiêu, là động lực mới để tỉnh bước vào tương lai. Phấn chấn với thành quả đạt được, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh, đã trao đổi với chúng tôi về kế hoạch phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế những năm tới.
* PV: Thưa ông, những thành tựu có ý nghĩa nhất của Thừa Thiên - Huế đạt được sau 35 năm giải phóng là gì?
* Ông NGUYỄN NGỌC THIỆN: Hiện tại, nhiều doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh đã có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước. Một số ngành và cơ sở công nghiệp mũi nhọn được đầu tư chiều sâu, có thiết bị và công nghệ tiên tiến, có năng lực cạnh tranh trên thị trường: Bia gần 200 triệu lít/năm; xi măng 2,5 triệu tấn/năm, sợi gần 30.000 tấn/năm, điện trên 100MW...
Du lịch dịch vụ, y tế, giáo dục, viễn thông, tài chính… từ chưa phát triển đã trở thành những ngành kinh tế quan trọng. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, khôi phục và phát triển, đã đưa Thừa Thiên - Huế trở thành một trong những trung tâm cung cấp dịch vụ lớn của miền Trung và cả nước. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng các ngành nghề phi nông nghiệp, khu vực nông nghiệp vẫn được chăm lo phát triển, đã tạo thu nhập ngày càng cao cho người nông dân nhưng giảm tỷ trọng trong toàn nền kinh tế.
Hiện tại, Thừa Thiên- Huế chỉ còn 13 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn 8% (so bình quân chung cả nước là 11%), thu ngân sách xếp 20/63 tỉnh thành; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nằm trong nhóm tốt; các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch giữ vị trí dẫn đầu; chỉ số ứng dụng CNTT xếp thứ 4/63.
* Yếu tố nào được xem là có tính đột phá để xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương?
* Đào tạo đại học đa ngành và chuyên sâu đang là thế mạnh của Thừa Thiên - Huế. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát huy tiềm lực khoa học công nghệ, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh mà còn cho cả vùng. Chúng tôi đang tập trung xây dựng TP Huế trở thành trung tâm văn hóa, dịch vụ, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam; trung tâm đào tạo đại học và y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao của cả nước; trung tâm dịch vụ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên.
Kế đó, Thừa Thiên – Huế cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng ngành dịch vụ. Trong đó đầu tư phát triển mạnh cho du lịch để sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô với nhiều lĩnh vực như cảng, dịch vụ cảng, khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu du lịch chất lượng cao, các khu vui chơi giải trí, sân golf… được xem là một động lực quan trọng. Hình thành các khu, cụm công nghiệp nhỏ, vừa và các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái. Tập trung đầu tư, sớm hoàn chỉnh và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư.
* Nhiều người lo lắng trước nguy cơ phá vỡ không gian văn hóa, cảnh quan thơ mộng và cổ kính của một cố đô khi triển khai một đô thị hiện đại. Ý kiến của ông về vấn đề này?
* Việc nghiên cứu định hướng phát triển không gian đô thị Thừa Thiên - Huế phải đạt được một số yêu cầu: Mang nét đặc trưng của cố đô - thành phố di sản, thành phố festival đặc trưng của Việt Nam; giữ gìn và phát huy được các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan kiến trúc… Xây dựng một không gian đô thị êm đềm, xanh, sạch đẹp, mang hình ảnh của một thành phố thiên nhiên, thành phố môi trường nên phải hết sức gìn giữ và khai thác một cách hiệu quả các giá trị cảnh quan thiên nhiên, các trục không gian nổi trội như sông Hương, đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, Bạch Mã… Các khu đô thị mới có tiêu chuẩn tiện nghi hiện đại nhưng vẫn hài hòa gắn kết với các giá trị truyền thống và thiên nhiên.
Đồng thời sẽ phát triển thành chùm đô thị với cụm đô thị động lực: Huế - Tứ Hạ - Phú Bài - Thuận An - Bình Điền; đô thị loại III Chân Mây - Lăng Cô và các đô thị loại V: Phú Đa, Phong Thu, Thanh Hà, Vinh Thanh, A Đớt, Hồng Vân… Hệ thống đô thị này được liên kết với nhau bằng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hệ thống công viên cây xanh, mặt nước, lâm viên, các khu vực bảo tồn cảnh quan, các vành đai xanh nông nghiệp. Các đô thị vệ tinh sẽ chia sẻ áp lực phát triển đô thị cho TP Huế góp phần gìn giữ không gian văn hóa, cảnh quan kiến trúc.
VŨ VĂN THẮNG (Thực hiện)