Hương trà ven quốc lộ

Hàng chục năm nay, quốc lộ 20 đoạn qua TP Bảo Lộc đã được các nhà thiết kế tour tại TPHCM và các tỉnh Nam bộ xem là điểm dừng lý tưởng trên hành trình khám phá cao nguyên. Từ TPHCM lên TP Đà Lạt, sau khi đã đi ngang qua khu rừng cao su bạt ngàn của miền Đông Nam bộ, những vườn cây trái trĩu quả của khu vực Tân Phú (Đồng Nai), Madagui (Lâm Đồng), du khách bắt đầu lên đèo Bảo Lộc dài khoảng 10km, làm quen với địa hình, khí hậu cao nguyên đất đỏ bazan có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển.

Vừa qua khỏi đèo, hương trà đã thoang thoảng đâu đó và cùng với khí hậu mát mẻ của vùng cao nguyên, giúp du khách giảm đi sự mệt mỏi sau gần 200km đường trường và cũng là lúc phải dùng bữa để nạp thêm năng lượng. Có đoàn sau khi ăn xong vào thẳng thác Dambri và tham quan khám phá xứ trà B’lao. Đi giữa những đồi trà mênh mông, thẳng tít tắp trải rộng trước mắt, du khách sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, thư thái và cho dù ghé Bảo Lộc lúc đi hay về thì hầu như du khách nào cũng phải mua một ít trà về làm quà. Đó là trà ướp hương hoa lài, hoa sói, hoa ngâu, trà Ô long hay trà xanh truyền thống. Đó cũng có thể là một ít bơ Bảo Lộc có lớp bơ dày, vàng như sáp ong hay chuối La ba thơm ngọt…

Từ sau năm 1990, các cửa hiệu bán đặc sản trà, cà phê, trái cây và nhà hàng thi nhau mọc lên trên con đường Trần Phú (dọc quốc lộ 20). Trong đó, nổi bật lên hai thương hiệu Tâm Châu và Trâm Anh. Cả hai đều chú trọng đến phân khúc bán lẻ cho khách vãng lai với quy mô ngày càng mở rộng, như Tâm Châu tổ chức như một siêu thị mini chuyên bán đặc sản của cao nguyên mà nhiều nhất, phong phú nhất vẫn là các mặt hàng trà. Khách có thể nghỉ chân ăn trưa trong nhà hàng và mua trà. Riêng Trâm Anh chú trọng đến việc giới thiệu, bán các sản phẩm trà, cà phê. Khách có thể nghỉ chân, đi vệ sinh, dùng trà, cà phê miễn phí trước khi quyết định mua trà, cà phê về làm quà cho người thân. Còn nhớ, dịp Lễ hội Văn hóa trà lần 2 năm 2008, ông Vũ Hùng Anh (chủ danh trà Trâm Anh) đã dựng một bảo tàng nhỏ về sự lịch sử phát triển của xứ trà B’lao ngay trong khuôn viên phục vụ khách tham quan.

Lễ hội Văn hóa trà Lâm Đồng qua 2 lần tổ chức đều nhận được sự quan tâm hưởng ứng của chính các danh trà địa phương. Và tại Lễ hội trà lần 3 năm 2010 này, cơ sở trà Trâm Anh dành công sức cho “đêm hội trà” giới thiệu văn hóa trà Việt Nam, tôn vinh thương hiệu trà B’lao và trình diễn mời trà theo nghi thức truyền thống trên nền nhạc quan họ. Theo đó, sẽ mời 3 loại: Trà chén truyền thống, trà Ô long và các loài trà hoa (ướp hương). Đặc biệt, cơ sở này sẽ giới thiệu một loại trà ướp hoa sen dành cho vua chúa ngày xưa (trà ngự).

Chính quyền địa phương rất mong muốn phát triển Bảo Lộc thành đô thị nghỉ dưỡng thứ hai của tỉnh sau Đà Lạt nhưng xem ra đó là mục tiêu lâu dài vì trước mắt, cơ sở hạ tầng du lịch tại đây vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của khách đi tour muốn lưu lại.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục