Cà Mau có bờ biển dài nhất so với các tỉnh ven biển nước ta (254 km) và có trên 86.000 km2 ngư trường. Đặc biệt, mảnh đất tận cùng của Tổ quốc tiếp giáp với hai mặt biển Đông và Tây, có vùng đất cuối trời vươn ra biển, tạo thành bãi bồi rộng hơn 24.000 ha. Đất mũi Cà Mau đã được quy hoạch vùng dự trữ sinh quyển. Do điều kiện thuận lợi về địa lý như vậy nên vùng biển và hệ thống sông rạch nơi đây có rất nhiều cá, tôm, cua… trú ngụ và sinh sản. Đó là nguồn lợi thủy sản (NLTS) phong phú nên đã thu hút người dân trong và ngoài tỉnh đến khai thác không kể ngày đêm, làm cho “mũi tàu” Cà Mau như “mắc cạn”.
Với ngư trường rộng lớn và NLTS vào bậc nhất, nhì nước ta nên số lượng phương tiện đánh bắt tại Cà Mau có đến hơn 5.000 chiếc các loại đang hoạt động, chưa kể hàng trăm tàu thuyền của địa phương khác đến đây tham gia.
Anh Phạm Thanh Hải, Chánh thanh tra Sở NN-PTNT, cho biết: Cùng với các tàu đánh bắt thủy sản xa bờ, toàn địa bàn còn có khoảng 770 chiếc tàu chuyên về te, xiệc với mắt lưới dày, đẩy đi trong khoảng 5m từ mí bờ ra, nên thủy sản lớn nhỏ đều bị vét sạch. Ngư dân câu mực và dùng lưới vây chỉ bắt bề nổi, ít ảnh hưởng đến ngư trường; còn dùng cào mé làm phá vỡ những sinh vật ẩn nấp để sinh sản dưới đáy biển. Hầu hết các tàu hiện nay thường dùng máy ô tô với động cơ lớn nên làm khuấy đục nguồn nước, các sinh vật biển chết hoặc không sinh sản được. Đặc biệt – anh Hải nhấn mạnh – bà con còn dùng xung điện để kích hoạt trong lưới, làm tất cả NLTS bị tê liệt rồi tận thu.
Ngoài ra, bờ biển Cà Mau có khá nhiều bãi bồi. Đây là những địa điểm thuận lợi cho các loại đặc sản có giá trị như nghêu, cá bống mú, tôm sú, cua gạch… tụ tập và sinh sản, tạo ngư trường lý tưởng, giúp khai thác ít tốn kém nhất. Thế nên ngư dân không kể độ tuổi đều có thể tham gia với công cụ thô sơ từ kéo lưới bằng tay đến việc dùng rổ tre xúc hoặc cào… những con vật lớn nhỏ từ sát đáy biển lên tới mặt nước một cách dễ dàng.
Ngoài biển đã vậy, trên các sông rạch tình trạng hủy diệt NLTS cũng diễn ra tương tự. Nhiều khúc sông nhỏ, kênh rạch người ta đánh bắt bằng cây thuốc cá. Họ bắt cá sau khi cá “say” thuốc nổi lên, số còn sót lại chết rữa, làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Nguy hiểm hơn, người mua ăn phải sẽ ngộ độc, tác hại đến sức khỏe khôn lường.
Còn biết bao những chuyện đánh bắt mang tính hủy diệt, làm cho NLTS cạn kiệt dần và có loài đứng trước nguy cơ tiệt chủng. Hầu hết những ngư dân đánh bắt ven biển và trên kênh, rạch như trên đều có hoàn cảnh khó khăn. Vô hình trung, họ vì mưu sinh đã làm NLTS bị cạn kiệt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tâm sự: “Chủ trương chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ đã triển khai, nhưng đa số ngư dân đều nghèo và theo tập quán lâu đời, nên vẫn đánh bắt ven bờ và trên các bãi bồi. Hiện nay còn khoảng 8.000 hộ dân sống trong rừng phòng hộ, trên đê bao. Bà con dựng chòi ngoài các bãi bồi để đánh bắt các loài hải sản nhỏ mới sinh sản.
Trước tình hình đó, tỉnh có chương trình xây dựng 12 khu tái định cư với khoảng hơn chục ngàn căn nhà, nay đã xây xong 4 khu và đưa dân vào ở, để bảo đảm an toàn và ổn định đời sống, tránh phá rừng và khai thác ven bờ. Bà con bản xứ trở về được hỗ trợ làm ăn, tổ chức dạy nghề. Các khu tái định cư đều có chợ, trường học, trạm xá; có điện, nước sạch… phục vụ đời sống, sinh hoạt cho bà con. Đồng thời tỉnh còn tổ chức lại các bãi bồi nuôi nghêu, với khoảng 16 - 17 hợp tác xã (HTX), để vừa hướng dẫn khai thác, vừa bảo vệ an ninh, vừa nuôi dưỡng nghêu. Tuy nhiên việc làm ăn của các HTX chưa đều, nơi làm có hiệu quả, nơi làm chưa tốt, đang điều chỉnh lại”.
Cũng theo ông Hải, chính sách chăm lo cho bà con kết hợp với việc kiểm soát nơi đánh bắt và nơi tiêu thụ NLTS chưa quyết liệt, đến công tác tuyên truyền nhân dân không đánh bắt theo kiểu hủy hoại để bảo vệ NLTS vẫn còn không ít trở ngại. Cái khó nhất là do nhận thức và tập quán của người dân. Vừa qua bà con vẫn từ trong khu tái định cư lén lút ra ngoài phá rừng phòng hộ, săn bắt NLTS một cách tận diệt. Lực lượng làm nhiệm vụ kiểm ngư ở cơ sở còn mỏng, thiếu phương tiện nên khó kiểm soát được tình hình.
Nguyễn Văn Lạc